Thứ tư,  03/07/2024

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết công tác năm 2023

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Chiều 3/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, ngành NN&PTNT triển khai kế hoạch năm 2023 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Trước thực tế đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, quyết liệt, linh hoạt nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tiếp tục khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực Quốc gia.

Cụ thể, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) đạt 3,83%. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,88%, thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) khoảng 78%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53,01 tỷ USD.

Cùng với đó, nhiều chỉ tiêu phát triển của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra. Sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt 47,9 triệu tấn (tăng 1,7% so với năm 2022); giá trị 1 ha đất trồng trọt ước đạt 120 triệu đồng (tăng 12,8% so với năm 2022); chăn nuôi có bước phát triển mạnh, chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại; sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,87 triệu tấn (tăng 7,2% so với năm 2022). Về thủy sản, sản lượng đạt 9,32 triệu tấn (tăng 2,3% so với năm 2022)…

Đồng thời, toàn ngành cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại để mở rộng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt 53 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 12,06 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, trong năm 2023, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các kết quả đã đạt được; phân tích các khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2024.

Năm 2024, toàn ngành NN&PTNT đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 3 – 3,5%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 54 – 55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM khoảng 80%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đạt 58%…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2023, toàn ngành nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ lúng túng, bị động sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức đạt kết quả cao trong năm 2023; sản xuất lương thực, thực phẩm cũng đã đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát, khẳng định trụ đỡ của ngành kinh tế, đóng góp vào sự phát triển hội nhập quốc tế, nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

Đồng chí lưu ý: Trong năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục bám sát các chủ trương, quán triệt các nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển ngành nông nghiệp; tiếp tục ổn định tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tập trung đổi mới sáng tạo, đặc biệt thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và coi đây là động lực mới cho phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân thông minh, mà trước mắt là triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh tổ chức lại hình thức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, phát triển cụm công nghiệp chế biến gắn với vùng sản xuất; thực hiện tốt dự báo cung – cầu, thông tin thị trường, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; tiếp tục quản lý bảo vệ phát triển rừng, trọng tâm là thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, của người dân, doanh nghiệp…

Đối với tỉnh Lạng Sơn, chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM được các cấp, ngành của tỉnh tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 132 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên; tổng số vùng trồng được cấp mã số là 212 mã với diện tích hơn 1.174 ha, chứng nhận 12 cơ sở đóng gói; công tác trồng rừng đạt hơn 9.800 ha (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022); tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…
CÁT TIÊN