Thứ hai,  08/07/2024

Xuất khẩu sẵn sàng vượt khó

Xuất khẩu-một trong 3 chân kiềng quan trọng của tăng trưởng kinh tế (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) đã tăng trưởng âm tới hai con số ngay từ quý đầu tiên của năm 2023-với mức giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đà sụt giảm xuất khẩu đã ngày càng thu hẹp trong nửa cuối năm 2023, cán cân thương mại tiếp tục duy trì suất siêu kỷ lục.

Lội ngược dòng ngoạn mục

Xuyên suốt cả năm 2023, những khó khăn về tình hình xuất khẩu ở nhiều ngành hàng đã được nhìn thấy rõ. Áp lực đối với hoạt động xuất, nhập khẩu đến từ nguyên nhân chính là tổng cầu thế giới giảm. Năm 2023, thương mại toàn cầu suy giảm, chỉ tăng 0,8%, giảm một nửa so với mức dự báo 1,7% của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dịp đầu năm. Chính sách bảo hộ thương mại, cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu có cùng mặt hàng gia tăng; các nước ngày càng dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật, tạo sức ép mới cho hàng xuất khẩu của ta.

Nhưng trong khó khăn vẫn có những ngành hàng vươn mình trở thành trụ đỡ cho xuất khẩu. Điểm sáng năm 2023 phải kể đến nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây đã tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Xuất khẩu thép tại cảng chuyên dùng Hòa Phát Dung Quất, Quảng Ngãi. Ảnh: NGHI TRẦN 

Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 8,34 triệu tấn về sản lượng và hơn 4,8 tỷ USD về trị giá, tăng tương ứng 17,7% về lượng và 39,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số đánh dấu cột mốc mới trong xuất khẩu gạo ở Việt Nam. Rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 65,9% (riêng tháng 12 tăng 22,4%); hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 17,6% (tháng 12 tăng 21,7%)…

Sức chống chịu mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu đối với những khó khăn còn được thể hiện rõ ở biên độ suy giảm xuất khẩu thu hẹp dần. Nhiều lối đi mới đã được mở, không còn bó gọn ở những thị trường truyền thống. Trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn đều sụt giảm, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng.

Thời điểm cuối quý I, xuất khẩu ghi nhận giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ cuối quý II, xuất khẩu có những tín hiệu phục hồi, tháng sau cao hơn tháng trước (tháng 5 tăng 4,3% so với tháng 4; tháng 6 tăng 4,5% so với tháng 5; tháng 7 tăng 0,8% so với tháng 6, tháng 9 tăng 9,0% so với tháng 8…). Đến cuối quý III, mức giảm xuất khẩu thu hẹp còn 8,5% so với cùng kỳ. Kết thúc năm 2023, xuất khẩu đạt 355 tỷ USD, mức giảm thu hẹp còn 4,4% so với năm 2022.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 327,5 tỷ USD. Con số tăng trưởng này chưa được như kỳ vọng, cũng chưa chạm tới mục tiêu đề ra cho năm 2023, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã thu hẹp đáng kể mức suy giảm ở thời điểm cuối năm so với đầu năm cho thấy sự nỗ lực của Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu, của các doanh nghiệp, ngành hàng.

Một trong những dấu ấn đáng ghi nhận trong bức tranh xuất, nhập khẩu năm nay là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt 28 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Thách thức mới từ logistics

Bộ Công Thương đặt mục tiêu năm 2024 đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2023, xuất siêu khoảng 15 tỷ USD trong bối cảnh đơn hàng phục hồi nhưng xuất khẩu hàng hóa đối diện thách thức mới khi Biển Đỏ đang là vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu (Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải bằng kênh đào Suez, tạo ra tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á).

Thời gian qua, tình trạng tàu biển chuyên chở hàng hóa qua khu vực này bị tấn công dẫn đến việc một số hãng vận tải biển đã ra thông báo dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ, thay đổi lịch trình, chuyển hướng đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi. Tình trạng trên làm cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển giữa châu Á với châu Âu và Bờ Đông Bắc Mỹ phải mất nhiều thời gian hơn. Cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm cho hàng hóa trao đổi giữa các khu vực này tăng thêm. Hiện tượng thiếu container rỗng có thể xảy ra cục bộ.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ trong tuần đầu của tháng 1-2024 biến động lớn, tăng khoảng 60% so với thời điểm cuối năm 2023 và tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Việt Nam, giá cước vận tải đi châu Âu, châu Mỹ cũng tăng theo xu thế chung của thế giới. Cụ thể, giá cước từ Việt Nam đi cảng khu vực Tây Mỹ là 2.650USD/container 40 feet, đi cảng khu vực Đông Mỹ là 3.900USD/container 40 feet, đi châu Âu là 4.900USD/container 40 feet (theo báo giá của một số hãng tàu)…

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu cho biết, cùng với giá cước vận tải tăng mạnh, việc vận chuyển kéo dài, nhiều bất ổn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của doanh nghiệp, có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng.

Với những rủi ro trong vấn đề logistics, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị, các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình để các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin, chủ động kế hoạch sản xuất và xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đề nghị các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới, nâng cấp các hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn tiềm năng ở khu vực châu Phi, Nam Á, Tây Á, Nam Mỹ… tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xuat-khau-san-sang-vuot-kho-762706

Theo qdnd.vn