Thứ tư,  03/07/2024

Hội Làm vườn huyện Bình Gia: Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế

– Những năm qua, Hội Làm vườn huyện Bình Gia đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ, vận động hội viên đoàn kết, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất với những mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Hội viên Hội Làm vườn huyện Bình Gia chăm sóc mô hình trồng cây thanh long

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Tĩnh, thôn Nà Vước, xã Tân Văn chủ yếu trồng lúa và ngô, thu nhập bấp bênh. Để tìm hướng phát triển kinh tế, ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả do Hội Làm vườn huyện phối hợp tổ chức và bản thân ông chủ động tìm hiểu loại cây trồng phù hợp để xây dựng mô hình. Theo đó từ năm 2018, gia đình ông Tĩnh đã mạnh dạn trồng hơn 1.000 cây thanh long. Ông Tĩnh cho biết: Ban đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển không đồng đều, thậm chí nhiều cây bị chết. Năm 2020, nhờ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của Hội Làm vườn huyện tổ chức, tôi biết đến mô hình sản xuất thanh long theo quy trình VietGAP và còn được hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ chăm sóc đúng cách, từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, vườn thanh long đem lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Không chỉ ông Tĩnh, những năm qua, nhiều hội viên của hội làm vườn trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ mô hình tưới nhỏ giọt và hướng dẫn, tập huấn phát triển mô hình trồng thanh long VietGAP. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, hội làm vườn huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các thiết bị của hệ thống tưới nhỏ giọt cho trên 50 hộ trồng thanh long tại các xã: Tân Văn, Hoàng Văn Thụ và thị trấn Bình Gia với diện tích trên 10 ha. Đồng thời, hội tích cực vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa những loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đem lại hiệu quả.

Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Bình Gia cho biết: Hiện nay, Hội Làm vườn huyện đã thành lập được hội làm vườn tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với trên 400 hội viên. Xác định việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm nên những năm qua, hội đã tăng cường phối hợp với các đơn vị chuyên môn tuyên truyền, định hướng cho các hội viên phát triển các mô hình kinh tế phù hợp. Theo đó, hằng năm, hội tổ chức từ 4 đến 6 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc cây ăn quả, cây lâm nghiệp, chăn nuôi…; tổ chức cho các hội viên tham quan học tập kinh nghiệm tại các huyện trong và ngoài tỉnh…

Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, Hội Làm vườn huyện còn phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm: quả thanh long và lạp sườn. Đồng thời, hội còn hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản của hội viên giới thiệu, quảng bá, trưng bày tại một số hội chợ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Bà Lương Thị Duyên, hội viên Hội Làm vườn thị trấn Bình Gia cho biết: Gia đình tôi đã sản xuất lạp sườn hơn 10 năm nay, tuy nhiên số lượng bán ra còn ít chủ yếu chỉ phục vụ khách trong huyện. Năm 2021, tôi tham gia Hội Làm vườn với mong muốn được trao đổi kinh nghiệm cũng như biết thêm nhiều kiến thức trong phát triển sản xuất. Qua đó, gia đình tôi đã chú trọng hơn đến bao bì, mẫu mã sản phẩm và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2022, sản phẩm lạp sườn Bình Gia có thương hiệu và được công nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hiện nay trung bình mỗi ngày, tôi xuất bán 15 đến 20 kg lạp sườn, với giá bán 200 nghìn đồng/kg, tăng gấp đôi so với trước đây. Không chỉ khách hàng trong huyện mà còn có nhiều khách hàng trong tỉnh và một số tỉnh, thành khác như: Thái Nguyên, Hà Nội tìm mua sử dụng.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, các hội viên trên địa bàn huyện đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cùng đó, Hội Làm vườn huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng thành công một số mô hình hiệu quả như: trồng thanh long VietGAP; mô hình trồng lúa J02 và TBJ3; mô hình trồng quýt vàng; mô hình trồng mắc ca; chăn nuôi bò 3B thương phẩm… Hiện nay, Hội Làm vườn huyện có trên 50 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, (đây cũng là một trong 3 hội làm vườn cấp huyện có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn tỉnh), trong đó, có trên 70% mô hình đem lại thu nhập từ 150 đến 300 triệu đồng/năm.

Với những nỗ lực và cố gắng đó, tháng 11/2023, Hội Làm vườn huyện Bình Gia vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam vì đã có thành tích trong phong trào làm kinh tế VAC, xây dựng và củng cố tổ chức hội vững mạnh nhiệm kỳ 2018 – 2023.

MAI LINH