Định mức chưa phản ánh đúng hao phí trên công trường

  Một trong những ví dụ được đưa ra để dẫn chứng cho việc định mức không phản ánh đúng hao phí thực tế trên công trường là công việc lao lắp dầm khi thi công cầu. Định mức của công việc này theo quy định áp dụng chung cho một loại cẩu, trong khi thực tế cần sử dụng nhiều loại khác nhau, có thể cẩu loại có giá 2 chân, giá 3 chân… Điều này dẫn đến chi phí bỏ ra vượt quá định mức được áp dụng. Hiện nay, một số định mức mới có xu hướng cắt giảm so với định mức cũ như thi công móng cấp phối đá dăm, dầm cầu đúc hẫng… Có hạng mục như đắp đá, đắp đất lẫn đá chưa có định mức để áp dụng nên nhà thầu phải tạm thanh toán theo đơn giá đắp đất.

Bên cạnh định mức hạng mục công việc, giá nhân công được đánh giá là thấp hơn so với thực tế. Ông Phùng Tiến Thành, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết, theo đơn giá ban hành của các địa phương trên địa bàn dự án thì giá nhân công các bậc chỉ khoảng 200-300 nghìn đồng/ngày. Thực tế, với thị trường lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, mức chi trả là 400-500 nghìn đồng/ngày. Nếu làm việc vào ngày nghỉ, ngày lễ, tiền công được tính gấp đôi, gấp ba lần nhưng lại không được quy định trong đơn giá.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Thi công cầu Mỹ Thuận 2 – công trình trọng điểm trên tuyến cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Ảnh: HUY HÙNG

Đối với những dự án trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, việc khai thác vật liệu đất đắp được cấp riêng mỏ cho dự án. Cùng với thủ tục cấp phép mỏ còn mất nhiều thời gian, vấn đề đặt ra là giá vật liệu tại mỏ khi áp dụng cơ chế đặc thù sẽ được xác định như thế nào để làm căn cứ tính toán chi phí. Theo một số đơn vị thi công, nhiều đầu mục chi phí cần thực hiện khi khai thác mỏ vật liệu nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể, như: Chi phí giám sát, thẩm định, phê duyệt; đền bù cây trồng, hoa màu, tài sản trên đất; đào bóc lớp phủ; đường tiếp cận mỏ; cải tạo, phục hồi môi trường… Nhà thầu kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần có hướng dẫn cụ thể đối với việc xác định những chi phí này để địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu áp dụng, tránh mỗi nơi thực hiện một kiểu.

Từng bước hình thành đơn giá, định mức phù hợp

 Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, quản lý chi phí đầu tư xây dựng là nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý dự án. Trong đó, cần bảo đảm tính đúng, tính đủ, hợp lý các chi phí cần thiết của quá trình đầu tư xây dựng, từ giai đoạn chuẩn bị cho đến khi hoàn thành, đưa công trình vào khai thác, sử dụng và quyết toán. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng bao gồm: Tổng mức đầu tư, dự toán, định mức, giá xây dựng, chỉ số giá, quản lý, điều chỉnh hợp đồng, thanh quyết toán… Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành của nước ta đã cơ bản đầy đủ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt là tại các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù. Trong đó, một số vấn đề đặt ra liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng như: Định mức, đơn giá xây dựng; xác định giá vật liệu tại mỏ khi áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản; điều chỉnh giá và thanh quyết toán hợp đồng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, Việt Nam hiện tiếp cận hệ thống định mức, đơn giá theo các phương pháp mà thế giới cũng đang áp dụng. Phương pháp nào cũng có ưu và nhược điểm, không có phương án tối ưu hoàn toàn. Do đó, trong công tác quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Bộ Xây dựng đã tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch sử dụng mô hình thông tin (BIM) để số hóa toàn bộ công trình, từ đó tạo thành cơ sở dữ liệu (big data) và có được thiết kế mẫu trong mọi công đoạn của quá trình đầu tư xây dựng. Trên cơ sở đó giúp cơ quan quản lý nhà nước có thể từng bước hình thành đơn giá phù hợp, minh bạch.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, ngay trong quý I-2024, Bộ GTVT dự kiến ban hành mới và điều chỉnh, bổ sung 547 định mức dự toán công trình theo thẩm quyền. Bộ Xây dựng sẽ ban hành bổ sung 318 định mức theo thẩm quyền. Đồng thời tiếp tục rà soát, ban hành bổ sung các định mức còn thiếu hoặc không phù hợp do công nghệ, điều kiện thi công thay đổi hoặc do vật liệu xây dựng mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dieu-chinh-don-gia-dinh-muc-thi-cong-phu-hop-thuc-tien-765876