Thứ sáu,  20/09/2024

Xúc tiến thương mại: Nâng giá trị nông sản Xứ Lạng

(LSO) – Những năm gần đây, các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh được nâng cao cả về chất và lượng; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm an toàn.

Những năm trước đây, quả na chủ yếu được người dân 2 huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng bán lẻ dọc tuyến quốc lộ 1A và một phần được tư thương mua gom xuất khẩu sang Trung Quốc với giá cả bấp bênh, từ 10 đến 30 nghìn đồng/kg. Đến năm 2018, quả na đã có mặt tại các kệ hàng ở những siêu thị lớn của nhiều tỉnh, thành trên cả nước, giá bán buôn từ 30 đến 70 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ na loại 1 đầu mùa lên đến 100 nghìn đồng/kg.

Nông dân huyện Chi Lăng chăm sóc vườn na theo tiêu chuẩn VietGAP

Ông Đinh Hữu Học, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Từ năm 2015 đến nay, hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn được huyện đặc biệt quan tâm, trong đó nổi bật là quả na. Hằng năm, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện tổ chức chuỗi các các hoạt động quảng bá sản phẩm tại ngày hội na Chi Lăng và phối hợp với ngành nông nghiệp, Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Việt Nam tổ chức tuần lễ triển lãm đặc sản Chi Lăng tại Hà Nội, trọng tâm là sản phẩm na. Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký bao tiêu sản phẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 2018, doanh thu từ quả na toàn huyện đạt hơn 600 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2016.

Năm 2017, UBND huyện Bắc Sơn đã tổ chức sản xuất quýt theo hướng an toàn kèm với các sự kiện quảng bá, giới thiệu hình ảnh sản phẩm. Ông Tô Bắc Thái, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bắc Sơn đã tổ chức thành công 2 lễ hội quýt vàng, đây sẽ là hoạt động được duy trì thường niên trong những năm tới nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh về quýt cũng như giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp du lịch của huyện. Hiện tại, huyện tiếp tục xây dựng những kế hoạch xúc tiến đầu tư phát triển diện tích cây quýt và nâng cao chất lượng quả theo hướng sản xuất VietGAP.

Hiện toàn huyện Bắc Sơn đã mở rộng diện tích cây quýt lên 630 ha, số diện tích cho thu hoạch là 420 ha, hằng năm cho sản lượng 1.700 tấn quả với giá bán từ 20 đến 50 nghìn đồng/kg, đạt tổng doanh thu từ 35 đến 50 tỷ đồng mỗi năm. Cây quýt đã đem lại cuộc sống ấm no, khá giả cho nhiều hộ nông dân Bắc Sơn.

Bên cạnh na và quýt vàng, nhiều sản phẩm nông sản Lạng Sơn đã được quảng bá rộng rãi đến thị trường cả nước như: hồng vành khuyên của huyện Văn Lãng; khoai lang nghệ Lộc Bình; thạch đen Tràng Định… Điển hình quả hồng vành khuyên của huyện Văn Lãng với nhãn hiệu được bảo hộ và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nên đến vụ là có tư thương đến thu mua tại vườn với giá ổn định ở mức 15.000 – 20.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ không dừng lại ở các tỉnh phía Bắc mà thương lái từ các tỉnh phía Nam đã tìm đến đặt mua từ đầu vụ, nông dân không còn phải lo đầu ra.

Hiệu quả từ các chương trình xúc tiến thương mại đã nâng cao giá trị nông sản Lạng Sơn. Tại lễ tôn vinh thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018, có 5 sản phẩm của tỉnh được trao danh hiệu gồm: na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn, hồng vành khuyên Văn Lãng, thạch đen Tràng Định, bún ngô Đình Lập. Đặc biệt, sản phẩm na Chi Lăng năm thứ hai liên tiếp được trao danh hiệu này và lọt vào top 10 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018.

Nông sản Lạng Sơn đã được khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước, tuy nhiên để ổn định đầu ra, hướng đến xuất khẩu qua thị trường những nước “khó tính” thì bên cạnh tổ chức sản xuất an toàn theo chuỗi, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thì một vấn đề tuy đơn giản nhưng rất quan trọng đó là dán tem nhãn, bao bì đúng quy chuẩn quốc tế cho sản phẩm. Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh đã khẳng định được thương hiệu, tuy nhiên, để tránh tình trạng nhái thương hiệu nông sản Lạng Sơn để trục lợi, sở đã yêu cầu các huyện tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm để giúp người tiêu dùng phân biệt.

ANH DŨNG