Hiệp hội Mía đường Việt Nam khuyến cáo các hội viên sản xuất giữ giá bán đường hiện nay là mức giá hợp lý, đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan  (Ảnh minh họa: Duyên Duyên)

Theo thông tin từ Tổ chức Đường quốc tế (ISO), trong nửa đầu tháng 7/2023 cho thấy chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng có xu hướng tăng. Các thông tin về mức thu hồi đường thấp hơn dự kiến tại Brazil và lượng mưa không đều tại Ấn Độ có thể làm giảm nguồn cung đường, cộng với tác động giảm giá của đồng đô la Mỹ có thể là nguyên nhân của đợt tăng giá này.

Giá đường thô giao ngay (được đo bằng giá hàng ngày của ISA) trung bình là 23,64 USD cent/pound, thấp hơn mức 24,52 USD cent/pound của tháng 6/2023 và mức 25,4 USD cent/pound của tháng 5/2023. Chỉ số giá đường trắng ISO trung bình đạt 672 USD/tấn, tăng so với mức 670,88 USD/tấn của tháng 6/2023 và giảm so với mức 701,9 USD/tấn của tháng 5/2023.

Theo dữ liệu của tradingeconomics.com về theo dõi giá đường qua các năm, với diễn biến giá đường trong tháng 7/2023, tuy có giảm so với tháng 6 /2023 nhưng mức giá đường thô thế giới trong tháng vẫn ở mức cao nhất trong 12 năm gần đây.

Về thị trường đường trong nước, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nửa đầu tháng 7/2022, các nguồn cung dồi dào khi vụ ép 2022 -2023 vừa kết thúc, đặc biệt đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Bình Phước xuất hiện tràn ngập thị trường sau thời gian tạm lắng vì hoạt động kiểm soát biên giới thắt chặt của các cơ quan chức năng. Ngoài ra lượng đường lỏng sirô ngô nhập khẩu cũng xuất hiện và thu hẹp đầu ra của đường sản xuất từ mía. Nửa sau tháng 7/2023, nhu cầu không cao, các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu như đường Myanmar, đường Malaysia và đường nhập lậu tăng cường sự hiện diện trên thị trường.

Giá đường trong nước dao động ở các mức: Trong ngày 4/7, tại Hà Nội, đường kính trắng dao động từ 20.000-20.900 đồng/kg, đường tinh luyện 21.400 – 22.000 đồng/kg; trong khi đó tại miền Trung, đường kính trắng giá 19.800 -20.400 đồng/kg, đường tinh luyện 21.200-21.800 đồng/kg; tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá đường kính trắng từ 20.000 – 20.800 đồng/kg, đường tinh luyện 21.400-22.200 đồng/kg.

Tại thời điểm ngày 25/7, tại Hà Nội, giá đường kính trắng 20.000 – 21.000 đồng/kg, đường tinh luyện 21.400 -22.000 đồng/kg; tại miền Trung, giá đường kính trắng 20.000 – 20.800 đồng/kg, đường tinh luyện 21.400 – 22.000 đồng/kg; tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá đường kính trắng từ 20.000-21.000 đồng/kg; đường tinh luyện từ 21.400 – 22.200 đồng/kg.

Trong khi đó, so sánh giá đường với một số nước trong khu vực, bình quân tại một số thời điểm trong tháng 7, giá trung bình của đường Philippines là 34.981 đồng/kg, Trung Quốc 22.708 đồng/kg,… trong khi giá trung bình của đường Việt Nam là 21.056 đồng/kg.

Như vậy trong tháng 7/2023, so với giá đường thị trường nội địa trong khu vực bao gồm các nước sản xuất mía đường khối ATIGA và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam dù đã tăng nhưng vẫn ở mức thấp hơn.

Đáng chú ý, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong thời gian gần đây, trước diễn biến giá đường có những biến động, cho thấy bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị, dẫn đến giá đường có thể bị đẩy đến mức vượt quá mức độ hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng nếu xu hướng này tiếp tục.

Trước tình hình này, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam đã có báo cáo đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Theo đó, trong vụ ép 2022- 2023, ngành đường Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức tương đương và thấp hơn so với các nước sản xuất mía đường lân cận. Về giá đường hiện nay, theo đánh giá của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, đây là mức giá hợp lý đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay giá đường của Việt Nam đang ở mức hợp lý, nghĩa là với giá đường này có thể giúp cho việc thu mua giá mía có lợi cho người nông dân.

“Năm nay giá mía tốt và sản lượng cũng tốt, cho nên năm nay nông dân trồng mía và nhà máy sản xuất đường đều phấn khởi” – ông Lộc cho biết.

Ông Lộc cũng cho biết, trước khi có giá đường như hiện nay, về phía Hiệp hội đã yêu cầu nhà máy nâng giá thu mua mía cho người người nông dân. Và khi nâng giá mía, người nông dân rất phấn khởi.

Nhằm tránh hiện tượng giá đường tiếp tục tăng lên bất hợp lý, Hiệp hội Mía đường Việt Nam khuyến cáo các hội viên sản xuất tham gia bình ổn thị trường bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng và giữ giá bán đường hiện nay là mức giá hợp lý, đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan. Đặc biệt, không để giá đường tăng thêm nữa nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng trên cơ sở hài hòa lợi ích và tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá.

Hiện nay, ngành đường Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía 2023-2024. Thực tế cũng cho thấy một thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía – đường./.

Nguồn:https://dangcongsan.vn/kinh-te/khong-de-gia-duong-tang-them-646094.html