Thứ sáu,  20/09/2024

Văn Quan: Tập trung phát triển chăn nuôi

(LSO) – Tận dụng lợi thế các bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn dồi dào…  thời gian qua, huyện Văn Quan đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa. Hướng đi này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân.

Ông Lương Thiện Đô, thôn Túng Nọi, xã Tràng Phái cho biết: Trước đây, gia đình tôi là hộ cận nghèo. Từ năm 2012, thấy mô hình nuôi dê hiệu quả, tôi đã đầu tư phát triển mô hình này. Thời gian cao điểm nhất tôi nuôi từ 30 đến 40 con. Nuôi dê không tốn nhiều thời gian chăm sóc, chủ động được giống, thời gian nuôi ngắn. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán 2 lứa. Với giá bình quân từ 150.000 – 170.000 đồng/kg, tôi có thu nhập khoảng 100 đến 120 triệu đồng/năm.

Ngoài gia đình ông Đô, hiện nay, trên địa bàn huyện đã và đang có rất nhiều hộ nuôi dê, trâu, bò… có thu nhập ổn định. Theo thống kê, toàn huyện Văn Quan hiện có gần 16.400 con gia súc gồm: đàn trâu hơn 10.000 con; đàn dê gần 3.500 con; đàn bò gần 2.900 con… tập trung chủ yếu ở một số xã như: An Sơn, Yên Phúc, Tú Xuyên, Tràng Phái, Liên Hội, Điềm He.

Người dân thôn Pác Lùng, xã An Sơn chăn nuôi bò

Trước đây, người dân huyện Văn Quan  chủ yếu chăn nuôi nhỏ, lẻ. Từ năm 2015 trở lại đây, bà con các xã trên địa bàn huyện đã chuyển mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng mô hình chăn nuôi với quy mô lớn.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi hiệu quả, hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện Văn Quan thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con (trung bình từ 15 đến 20 lớp/năm). Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện  thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại bệnh cho đàn gia súc. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, đã có gần 5.600 con trâu, bò được tiêm phòng bệnh lở mồm, long móng; hơn 2.400 con trâu, bò được tiêm phòng tụ huyết trùng…

Đồng thời, để đảm bảo vệ sinh chuồng trại, các cơ quan chuyên môn đã cấp phát thuốc sát trùng và khuyến cáo người dân định kỳ phun thuốc tiêu độc khử trùng giúp đàn gia súc phát triển ổn định, hạn chế tối đa dịch bệnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã cấp phát gần 1.300 lít thuốc sát trùng, 70 khẩu trang, 150 đôi găng tay mỏng… hỗ trợ các hộ chăn nuôi.

Bà Nông Thị Viền, thôn Pác Lùng, xã An Sơn cho biết: Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, gia đình tôi nuôi từ 8 đến 12 con bò. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn ở xã cũng như được cán bộ thú y tuyên truyền, tôi rất chú trọng tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại. Từ đó, đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện toàn huyện có hơn 100 hộ chăn nuôi trâu, bò, dê với số lượng đàn lớn (từ 10 đến 15 con trâu, bò/hộ; 50 đến 60 con dê/hộ), mang lại thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/hộ/năm. Ngoài ra, 70% các hộ dân ở các xã đều nuôi 2 – 3 con trâu, bò.

Phát triển chăn nuôi thực sự đã góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn huyện. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 33 triệu đồng/người/năm (tính đến thời điểm tháng 9/2020), tăng 17,5 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ  lệ hộ nghèo của huyện giảm gần   22% so với năm 2015.

Ông Nông Văn Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Thời gian qua, các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện  thực hiện chăn thả tự nhiên kết hợp với trồng cỏ voi để  chủ động nguồn thức ăn, cung như nâng chất lượng thức ăn cho đàn gia súc, nhất là vào mùa đông. Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện định hướng bà con phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung, đồng thời thực hiện quy hoạch thành vùng chăn nuôi khép kín. Trong đó, xây dựng vùng nguyên liệu trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, kết hợp nuôi giun quế, từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

NGUYỄN PHƯƠNG