Thứ năm,  19/09/2024

Công ty Cổ phần Chè Thái Bình: Chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP

– Trong những năm qua, huyện Đình Lập đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua công tác tuyên truyền, tập huấn về chương trình, ngày càng có nhiều chủ thể sản xuất chủ động tham gia chương trình. Trong số đó, Công ty Cổ phần Chè Thái Bình là một trong những đơn vị điển hình. Đến nay, đơn vị đã có 2 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh gồm: chè Ô Long, chè Bát Tiên. Hiện công ty đang tiếp tục xây dựng sản phẩm chè Ngọc Thúy thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Xác định một trong những yêu cầu khi tham gia chương trình OCOP là sản phẩm cần đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, Công ty Cổ phần chè Thái Bình đã chủ động trồng và chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, để sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, công ty đã thành lập ban quản lý, phân công các thành viên giám sát, hướng dẫn 7 tổ sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật. Các tổ sản xuất được giao nhiệm vụ chăm sóc và ghi chép toàn bộ quá trình chăm sóc, thu hoạch. Đến nay, diện tích chè VietGAP của công ty là 7,5 ha.

Công nhân Công ty Cổ phần chè Thái Bình đóng gói sản phầm chè

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Chè Thái Bình còn liên kết với người dân tại thị trấn Nông trường Thái Bình, xã Lâm Ca và xã Thái Bình thực hiện trồng và chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 43 ha và bao tiêu sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Tuyên, khu Thống Nhất, thị trấn Nông Trường cho biết: Thực hiện liên kết với công ty, hằng năm, tôi được tham gia các lớp tập huấn do công ty tổ chức về kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng đó, cứ mỗi vụ chè, gia đình thường xuyên được kỹ sư của công ty xuống kiểm tra quy trình chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh. Hiện gia đình tôi có hơn 2 ha chè VietGAP. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi xuất bán từ 18 đến 22 tấn chè tươi, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với canh tác theo hướng truyền thống.

Cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu, Công ty Cổ Phần Chè Thái Bình tập trung đổi mới mẫu mã, bao bì để đáp ứng thị hiếu của thị trường. Được biết đến nay, toàn bộ các sản phẩm của đơn vị đều có mẫu mã, bao bì riêng khá đa dạng (có 2 dạng túi, hộp mỗi sản phẩm). Đồng thời, trong năm 2021, đơn vị đã đầu tư khoảng 100 triệu đồng để thiết kế, in ấn túi, hộp và thiết kế tem nhãn dành cho sản phẩm chè Ngọc Thúy.

Ông Trần Văn Hưng, Phó Giám Đốc Công ty Cổ phần Chè Thái Bình cho biết: Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, 2 sản phẩm chè Ô Long và chè Bát Tiên của chúng tôi ngày càng được mở rộng về thị trường. Không chỉ góp phần xây dựng thương hiệu cho chè Đình Lập, đây cũng là một trong những minh chứng cho sản phẩm đảm bảo về chất lượng, quy trình sản xuất và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên cơ sở đó, chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP thứ 3 là chè Ngọc Thúy.

Theo tìm hiểu, hiện nay, giá cả và sản lượng xuất khẩu chè của công ty qua các thị trường như: Đài Loan, Nga, Trung Quốc ngày càng ổn định. Trung bình một năm, công ty sản xuất, thu mua khoảng 950 tấn chè búp tươi và chế biến được 200 tấn chè khô thành phẩm, trong đó, 100 tấn sẽ được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh trong nước. Doanh thu năm 2021 đạt trên 20 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2018.

Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập khẳng định: Công ty Cổ Phần Chè Thái Bình là một trong những đơn vị tham gia tích cực chương trình OCOP trên địa bàn huyện. Với việc chủ động xây dựng sản phẩm OCOP, doanh nghiệp đã góp phần nâng cao thương hiệu cho sản phẩm chè Đình Lập. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ công ty xây dựng sản phẩm OCOP cho sản phẩm chè Ngọc Thuý, từng bước khẳng định giá trị chè Đình Lập trên thị trường trong nước và quốc tế.

NGUYỄN PHÚC - CÁT TIÊN