Thứ sáu,  20/09/2024

Nuôi nhốt gia súc sát nhà ở – tập quán cần xoá bỏ

(LSO) – Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn còn tồn tại việc chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn hoặc cạnh nhà ở, gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng này đặt ra khó khăn cho việc thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Những ngày cuối tháng 8/2019, chúng tôi có dịp đến xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng, ở đây vẫn có gần chục hộ dân chăn nhốt gia súc ngay cạnh khu nhà ở, thậm chí có hộ nhốt gia súc ngay gầm nhà sàn. Ngày nắng, chất thải bốc mùi hôi nồng nặc, ngày mưa nước thải chảy tràn ra sân, vườn.

Gần chục năm nay, gầm nhà sàn anh Phùng Văn Vũ, xóm Chùa, xã Yên Thịnh được tận dụng để nhốt trâu. Anh Vũ chia sẻ: Cũng biết là nhốt gia súc cạnh nhà gây ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe gia đình nhưng quỹ đất hạn hẹp nên gia đình tôi chưa di dời đi được, hơn nữa, để gia súc cạnh nhà thì không lo bị mất.

Các chuồng trại chăn nuôi gia súc được đặt sát khu nhà ở

Tương tự, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan là địa bàn nuôi khá nhiều trâu, bò. Đa số người dân vẫn có thói quen chăn, nhốt vật nuôi dưới gầm nhà sàn. Trên địa bàn xã hiện nay có 270/699 hộ chăn nuôi chưa có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó: 86 hộ chăn nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà, 184 hộ có chuồng trại đặt ở sát khu nhà ở. Trung bình mỗi hộ gia đình nuôi ít nhất khoảng 2 – 3 con trâu, nhiều thì 7 – 8 con. Chuồng trại không được vệ sinh sạch sẽ, phân chỉ được hót ra để cạnh chuồng hoặc phơi trên đường. Tình trạng này phổ biến nhất ở các thôn: Tây A, Tây B và thôn Nam. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là tập quán chăn nuôi, điều kiện kinh tế của người dân và tâm lý lo sợ mất của, bởi đàn gia súc có giá trị khá cao.

Ông Triệu Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phúc cho biết: Trên địa bàn xã hiện còn nhiều hộ chăn nuôi chưa có chuồng trại đảm bảo vệ sinh. Nhằm bảo vệ môi trường sống, xã đang tuyên truyền người dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, đồng thời huy động các nguồn lực để hỗ trợ kinh phí cho người dân di dời chuồng trại.

Việc chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn trên địa bàn toàn tỉnh diễn ra khá phổ biến. Thói quen này của người dân gây khó khăn cho việc thực hiện tiêu chí môi trường theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, chỉ tiêu về tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường tại các xã phải đạt từ 60%. Đến nay, còn 159/207 xã trên địa bàn tỉnh tập trung ở một số huyện như: Bắc Sơn, Lộc Bình, Văn Quan… chưa đạt tiêu chí môi trường do chưa đạt chỉ tiêu về tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và xử lý chất thải rắn, nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất – kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định. Ông Chu Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về tác hại của việc chăn nuôi dưới gầm sàn và ý nghĩa việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đối với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hướng dẫn các hộ dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi cách biệt với nhà ở, xa nguồn nước, thường xuyên vệ sinh thu gom chất thải chuồng nuôi… Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu mô hình chăn nuôi phù hợp với từng địa phương để học tập và nhân rộng trên địa bàn.

Chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế là nhu cầu của mỗi gia đình nhưng nếu không xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh sạch sẽ thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng. Chính vì vậy, người dân cần thay đổi nhận thức, thói quen và cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, cần sớm di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở nhằm bảo vệ môi trường sống, nâng cao sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

THÙY DUNG