Thứ sáu,  20/09/2024

“Học Bác chính là tự giác làm tốt những công việc hàng ngày”

LSO- Tại thị trấn Bắc Sơn có một người được người dân kính trọng và  đặt cho cái tên trìu mến là Bảo “môi trường”. Đó chính là ông Trần Minh Bảo, Bí thư Chi bộ tiểu khu Trần Phú, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn.  

LSO- Tại thị trấn Bắc Sơn có một người được người dân kính trọng và  đặt cho cái tên trìu mến là Bảo “môi trường”. Đó chính là ông Trần Minh Bảo, Bí thư Chi bộ tiểu khu Trần Phú, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn.

Khi đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, tháng 5/1971, ông Bảo cũng giã từ quê nghèo, lên đường nhập ngũ. Hòa bình lập lại, năm 1976, ông chuyển ngành sang làm văn thư, sau đó tiếp tục về làm ở trạm điện của thị trấn. Ông chia sẻ: “Ngày đó ở thị trấn có mỗi cái máy nổ, mấy người suốt ngày phải canh trực để phát điện, lương thấp nhưng mấy anh em vẫn động viên nhau. Rồi năm 1993, ông xin nghỉ chế độ và cho đến năm 1996 lại tham gia làm công tác thôn và được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố. Vì cuộc sống còn quá nghèo nên bà con chỉ cốt sao lo cho con cái được ăn no, nhà nào biết nhà nấy chứ còn mấy thứ việc học văn hóa, pháp luật thì hiểu biết ít lắm. Mới đầu nói họ không nghe, mình với ông Đỗ Hùng, tổ trưởng khu phố Lê Hồng Phong tổ chức nhiều đợt vận động bà con các khối phố về mục đích, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nếp sống lành mạnh, bài trừ tệ nạn ma túy, mưa dầm thấm lâu, giờ thì họ phấn khởi lắm…”. Năm 2003, ông được người dân tín nhiệm và “bắt” kiêm luôn làm tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường, cũng vì thế mà biệt danh Bảo “môi trường” đã gắn bó với ông từ đó. Ông cho biết: Hồi đó tổ vệ sinh môi trường toàn phụ nữ, lương thấp, mới đầu chỉ 600 ngàn đồng/tháng, sau tăng lên 900 ngàn, rồi 1 triệu 200 ngàn, vẫn không đủ sống. Công tác vệ sinh môi trường hết sức khó khăn và yếu kém, đội vệ sinh chỉ làm riêng ở khu vực chợ và một số hộ dân gần đó, còn ở các vùng lân cận thì vẫn đầy rác thải. Rác thì nhiều, nhân lực thì ít nên thu gom không xuể, ông lại đến từng nhà tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa về vấn đề vệ sinh môi trường, đồng thời cũng “táo bạo” tự soạn luôn bộ hợp đồng để ai muốn đi làm thì ký luôn, vừa vận động người dân góp phí làm sạch môi trường, vừa tạo cơ hội cho họ có việc ổn định. Tôi hỏi ông nếu như hợp đồng không thành công thì sao? ông đọc hai câu thơ của Bác Hồ thay cho câu trả lời: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền!”.

Ông Trần Minh Bảo giới thiệu cuốn nội quy hội hiếu

Hợp đồng thành công, tổ vệ sinh môi trường thị trấn có đủ công nhân với mức lương hơn 2 triệu/người/tháng, thay ca nhau làm việc, nhờ đó mà môi trường quanh thị trấn được giữ gìn sạch sẽ. Ngoài tham gia công tác môi trường, năm 2001, ông cùng với các tổ trưởng dân phố khác vận động người dân cùng làm đường bê tông 1B kéo dài từ trục đường chính đến cổng trường cấp 3 và nhiều đường ngõ khác, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại. Không chỉ làm tốt công tác môi trường, công tác dân vận mà ông còn là người đi đầu trong việc vận động người dân thực hiện nếp sống lành mạnh, văn minh trong tang lễ ở vùng quê với đa số là người dân tộc Tày vốn tồn tại nhiều tục lệ rườm rà này. Dựa trên quy ước về hội hiếu từ trước, ông soạn thảo ra nhiều nội quy trong việc tang lễ, quy định trong một đám tang văn minh là không chống gậy, không hút thuốc lá, cười đùa, không tổ chức tiệc tang tốn kém, không để thi thể người đã chết trong nhà quá 24 tiếng, và nhiều nhất là 48 tiếng…, các thành viên của hội hiếu phải đóng góp phí. Ông cho biết tất cả các hoạt động tang lễ trên địa bàn thị trấn đều có sự kiểm tra, giám sát của hội, của lãnh đạo huyện nhà, hộ gia đình nào làm sai sẽ bị xử phạt, vì thế mà văn minh tang lễ dần đi sâu vào nếp sống của người dân. Nhờ vậy mà trong những năm gần đây, huyện Bắc Sơn được xếp là huyện đi đầu trong việc thực hiện văn minh tang lễ, người dân từ chỗ nhà ai biết nhà nấy nay đoàn kết hơn, yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Giỏi việc công , được dân kính nể, giờ đã đi được quá nửa cuộc đời với hơn 40 tuổi Đảng, những công việc ông làm thật là đáng quý. Ông tâm niệm “Tôi chỉ nghĩ đơn giản việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ chính là tự giác làm tốt những công việc hàng ngày, của gia đình và các công việc của xã hội được giao phó với tất cả trách nhiệm và sự nhiệt huyết chứ không phải đợi người khác yêu cầu thì mới làm”. Có lẽ vì thế mà bao nhiêu năm nay, dù chỉ giữ một chức nhỏ là làm bí thư chi bộ của một tiểu khu nhưng ông luôn trăn trở trước những vấn đề bức xúc của người dân, công việc vất vả nhưng đổi lại ông được người dân tin yêu. Năm 2010, ông vinh dự là một trong hai cá nhân của tỉnh Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thực hiện tốt Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

DƯƠNG THỊ KHUYÊN