Thứ sáu,  20/09/2024

Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số: Tăng cường phối hợp, lựa chọn địa bàn

(LSO) – Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền. Đồng thời, quan tâm lựa chọn địa bàn với nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp.

Với phương châm “tuyên truyền lĩnh vực nào, mời báo cáo viên lĩnh vực đó”, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì tổ chức, phối hợp với các ngành có liên quan tích cực tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức. Căn cứ vào nội dung, chuyên đề tuyên truyền, ban phối hợp mời báo cáo viên của các cơ quan liên quan trực tiếp tuyên truyền. Ví dụ, tuyên truyền về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, Ban Dân tộc phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cử báo cáo viên tuyên truyền. Chuyên đề hướng dẫn thanh niên phát triển kinh tế, khởi nghiệp gắn với vay vốn chính sách, ban phối hợp với Tỉnh đoàn. Chuyên đề trợ giúp pháp lý, ban phối hợp với Sở Tư pháp… Kết quả: từ năm 2019 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện tổ chức được trên 30 cuộc tuyên truyền với hơn 2.200 lượt người nghe.

Người dân tộc Dao, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đọc tài liệu tuyên truyền pháp luật

Bà Hoàng Thị Hà, Phó Trưởng Ban Xây dựng tổ chức hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, tôi đã tham gia 3 cuộc tuyên truyền pháp luật do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức. Tại các hội nghị, có hơn 50% là phụ nữ, bằng các kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, tôi đã tuyên truyền cho hội viên và Nhân dân về nội dung cơ bản của Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Qua đó, người dân nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng được nâng cao kiến thức pháp luật, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.

Không chỉ làm tốt công tác phối hợp, Ban Dân tộc tỉnh còn quan tâm lựa chọn địa bàn, với từng nội dung tuyên truyền cụ thể. Trước khi tổ chức hội nghị tuyên truyền, ban đã khảo sát tình hình thực tế, nắm bắt nhu cầu, vấn đề mà địa phương quan tâm, vướng mắc để xây dựng chương trình phù hợp. Các địa bàn được tuyên truyền chủ yếu là các xã vùng sâu, xa, biên giới, đặc biệt khó khăn ít có điều kiện tiếp cận thông tin, có trình độ dân trí thấp, là xã khu vực II hoặc địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật. Đơn cử như xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng là xã biên giới, địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, do đó, đầu tháng 7/2020, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Văn Lãng tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật về các chủ trương, chính sách của Đảng,  pháp luật  Nhà nước về công tác dân tộc; quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.  Ông Hoàng Minh Thảo, Trưởng thôn Pá Tặp, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng cho biết: Qua hội nghị tuyên truyền, tôi hiểu rõ hơn các chính sách về dân tộc, các quy định của pháp luật về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Từ đó tuyên truyền cho người dân trong thôn cùng thực hiện để giảm thiểu tình trạng vượt biên trái phép, hạn chế tệ nạn xã hội.

Bằng những cách làm trên, các cuộc tuyên truyền của Ban Dân tộc tổ chức đã để lại ấn tượng sâu sắc, góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong ĐBDTTS. Ông Lâm Văn Viên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật cho ĐBDTTS. Đồng thời, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền tại các vùng ĐBDTTS. Từ đó, hoàn thành mục tiêu đề ra trong Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 – 2021” trên địa bàn tỉnh.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi có 200 xã, phường, thị trấn, trong đó có 114 xã đặc biệt khó khăn và 83 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 24 xã khu vực II thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020. Toàn tỉnh có gần 84% là người DTTS với hơn 30 dân tộc khác nhau, trong đó có 7 dân tộc chủ yếu là: Nùng, Tày, Dao, Hoa, Mông, Sán Chay…

DƯƠNG DUYÊN