Thứ sáu,  20/09/2024

Mua bán, vận chuyển ma túy qua đường biển sẽ phức tạp hơn

Chặn đứng việc sản xuất ma túy trong nội địa; phối hợp ngăn ngừa ma túy ngay từ biên giới; tập trung làm tốt công tác rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy…
Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh nội dung này tại Hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2021 của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tổ chức sáng 22/12 tại Hà Nội.

“Phần chìm” của tảng băng lớn đến đâu?

Thứ trưởng Lê Quý Vương nhận định, trên thế giới và khu vực, các tổ chức tội phạm đã liên kết chặt chẽ với nhau hình thành và mở rộng phạm vi các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Do đại dịch COVID-19, dự báo mua bán, vận chuyển ma túy qua đường biển sẽ phức tạp hơn (vì đường hàng không và đường bộ chúng ta kiểm soát chặt chẽ để phòng, chống dịch); các đối tượng sẽ triệt để sử dụng không gian mạng để trao đổi, liên lạc, mua bán ma túy. Hơn nữa, hiện nay xu hướng “hợp pháp hóa” một số loại ma túy (nhất là cần sa) cũng diễn ra phức tạp trên thế giới và một số nước trong khu vực. Đây là những vấn đề cần hết sức quan tâm theo dõi.

Đồng tình với một số ý kiến đánh giá chúng ta mới chỉ phát hiện được “bề nổi của tảng băng chìm”, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng chúng ta bắt nhiều nhưng giá ma túy trên thị trường vẫn ổn định. Như vậy, theo quy luật cung-cầu, có thể nhận định nguồn cung ma túy còn rất lớn.

“Phần chìm của tảng băng này lớn đến đâu, chúng ta chưa đánh giá hết được. Vì vậy cuộc chiến chống ma túy sẽ còn lâu dài và ngày càng cam go, quyết liệt”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.

Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phải tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng chống ma túy. Hoàn thiện dự án Luật Phòng chống ma túy sửa đổi; rà soát Chiến lược công tác phòng, chống ma túy ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng 2030 để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu cho phù hợp với tình hình mới; khẩn trương xây dựng Đề án của Chính phủ tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới đến năm 2025…

Bên cạnh đó, quán triệt và thực hiện tốt quan điểm được xác định trong Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị là “lực lượng Công an nhân dân là nòng cốt chủ trì công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”. Đặc biệt quan tâm làm tốt đến công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, nhất là triệt phá các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài.

Chặn đứng việc sản xuất ma túy trong nội địa; nghiên cứu triển khai các biện pháp ngăn chặn ma túy từ xa, ngay từ bên kia biên giới; triệt phá được cả đường dây, ổ nhóm, nhất là số đối tượng chủ mưu cầm đầu, không “đánh khúc giữa”…

Tập trung làm tốt công tác rà soát người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, phối hợp quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy, làm trong sạch địa bàn.

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phải xác định rõ trách nhiệm, tăng cường phối hợp, hiệp đồng chiến đấu với lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển trong ngăn chặn ma túy tại khu vực biên giới, khuyến khích lập các chuyên án chung cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy…

Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài diễn biến hết sức phức tạp

Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, trước diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, tình hình tội phạm ma túy không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng về cả số vụ và số đối tượng.

Khu vực phía Nam, đặc biệt tại địa bàn TPHCM, tội phạm ma túy có liên quan đến người nước ngoài diễn biến hết sức phức tạp, trở thành “điểm nóng” ma túy ở Việt Nam trong thời gian gần đây, có những vụ thu giữ tại các địa bàn này gần 1.000 bánh heroin và 1 tấn ma túy tổng hợp.

Đáng lưu ý là ngay cả trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ nhạy cảm như quán bar, vũ trường, karaoke… vẫn lén lút hoạt động hoặc các đối tượng thuê nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, căn hộ chung cư, resort nghỉ dưỡng cao cấp để tổ chức sử dụng trái phép ma túy bị phát hiện, bắt giữ.

Theo thống kê, hiện nay toàn quốc có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng, trong khi đó hiệu quả cai nghiện thấp, tỷ lệ tái nghiện cao nên số người nghiện ở ngoài xã hội còn lớn.

Từ ngày 15/12/2019 – 14/11/2020, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã trực tiếp, chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 24.548 vụ, 36.404 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 738,35 kg heroin; 3.430,8 kg + 2.066.637 viên ma túy tổng hợp; 254,4 kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 12,85% số vụ (vượt hơn 9% so với chỉ tiêu Chương trình công tác năm 2020 đề ra), tăng 9,15% số đối tượng.

Trong đó, riêng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trực tiếp chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện 114 vụ, 348 đối tượng, thu giữ: 266,9 kg heroin; 1.057,8 kg + 271.970 viên ma túy tổng hợp; 1,99 kg cần sa.

Bên cạnh công tác đấu tranh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng chú trọng công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn; nhận thức của cán bộ, nhân dân về tác hại của ma túy và trách nhiệm phòng, chống ma túy được nâng lên rõ rệt.

Công tác kiểm soát và quản lý các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm ma túy ngày càng được tăng cường và mở rộng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài.

Theo Chinhphu