Thứ sáu,  20/09/2024

Hiệu quả Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”

– Sau hơn 3 năm, việc triển khai Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” (đề án) trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

Ông Nguyễn Minh Chí, Trưởng Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp cho biết: Thực hiện Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt đề án, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 18/7/2016 về triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, sở rà soát, đề nghị trang bị máy tính, máy in cho 100% cơ quan đăng ký hộ tịch và chính thức triển khai áp dụng Phần mềm Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp trên địa bàn kể từ ngày 1/7/2017 để thực hiện các việc đăng ký, quản lý hộ tịch, trong đó đặc biệt là thực hiện việc đăng ký khai sinh và cấp mã số định danh cá nhân cho trẻ em. Qua hơn 3 năm thực hiện, đề án đã mang lại nhiều thuận lợi cho cán bộ và công dân trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

Công chức tư pháp – hộ tịch, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn công dân đăng ký khai sinh

Nếu như trước năm 2017, công chức tư pháp – hộ tịch phải vất vả trong việc thực hiện làm giấy khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn cho người dân khi phải tra sổ gốc, viết tay từng bản khai sinh, bản sao. Từ tháng 7/2017, việc triển khai đề án đã tạo thuận lợi cho cán bộ, người dân khi thực hiện các việc hộ tịch, đặc biệt ở các địa bàn tập trung đông dân cư.

Ông Nguyễn Thành Duy, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trung bình hằng năm, phường tiếp nhận và giải quyết trên 1.000 việc hộ tịch. Từ khi thực hiện đề án, triển khai phần mềm dữ liệu hộ tịch, công chức tư pháp được nâng cao chuyên môn, trình độ tin học, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, khắc phục được cách làm thủ công trong hoạt động nghiệp vụ về đăng ký, quản lý hộ tịch. Đồng thời, nhanh chóng trả kết quả cho người dân, dễ dàng tra cứu thông tin, trích xuất số liệu báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác, thay vì phải xem sổ cộng từng tháng như trước đây.

Không chỉ tiện lợi cho cán bộ mà công dân cũng được hưởng lợi trực tiếp từ việc thực hiện đề án này. Công dân không phải chờ đợi lâu, được trả kết quả nhanh, chính xác, đồng thời có thể thực hiện việc đăng ký hộ tịch trực tuyến theo các cấp độ 3, 4, giảm đáng kể chi phí, thời gian đi lại. Anh Lương Văn Chính, khu 3, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Con đầu của tôi sinh năm 2015, lúc đó, tôi đi làm giấy khai sinh phải chờ đợi cán bộ ghi từng tờ giấy bản sao, mất thời gian. Đến con thứ hai sinh năm 2020, tôi ra trụ sở thị trấn làm giấy khai sinh cho cháu rất nhanh, cấp bao nhiêu bản sao cũng được, chỉ cần viết tờ khai, đọc thông tin cho cán bộ nhập vào máy là xong.

Để thực hiện tốt đề án, Sở Tư pháp đã tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho công chức tư pháp – hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Đơn cử năm 2020, Sở Tư pháp đã tổ chức 6 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi cho 400 công chức tư pháp – hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Tính đến năm 2020, Sở Tư pháp đã rà soát, phối hợp với Học viện Tư pháp, Trường Trung cấp luật Thái Nguyên tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho 100% công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Sở Tư pháp đã tạo lập và cấp hơn 400 tài khoản sử dụng phần mềm Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch cho cán bộ làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh.

 Từ tháng 7/2017, khi thực hiện đề án, toàn tỉnh đã cập nhật, đăng ký được hơn 298 nghìn việc vào phần mềm Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch, bao gồm: khai sinh; khai tử; đăng ký kết hôn; xác nhận tình trạng hôn nhân; cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch… Đảm bảo 100% việc hộ tịch trên địa bàn tỉnh được cập nhật vào phần mềm.

Có thể nói, việc thực hiện đề án đã kịp  thời cập nhật và quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch, nâng cao vai trò và trách nhiệm của đội ngũ công chức làm công tác tư pháp – hộ tịch, đáp ứng yêu cầu quản lí Nhà nước; góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký, quản lý hộ tịch, tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử

Đề án nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký, quản lý hộ tịch với cấu trúc chuẩn chung tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đăng ký, quản lý hộ tịch theo Luật Hộ tịch và giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch trực tuyến, có khả năng kết nối để cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan.

DƯƠNG DUYÊN