Thứ sáu,  20/09/2024

Cảnh báo chiếm đoạt tài sản trong quá trình chuyển nhượng phương tiện

– Lợi dụng tâm lý mua xe giá rẻ, dịch vụ phục vụ người mua bán phương tiện… của người tiêu dùng, gần đây, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện hiện tượng đối tượng xấu làm giấy tờ giả, tráo đổi thông số kỹ thuật nhằm hợp pháp hóa phương tiện bán ra thị trường với giá rẻ.

Thời gian qua, thông qua công tác nghiệp vụ đăng ký, quản lý phương tiện cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện một số đối tượng lợi dụng việc mua bán, chuyển nhượng phương tiện giao thông để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, vào hồi 15 giờ ngày 17/8/2021, Đội Đăng ký quản lý phương tiện, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tiếp nhận hồ sơ sang tên phương tiện của bà P.T.H (số nhà 22 Trần Quốc Toản) khu Lò Rèn, thị trấn Đồng Đăng huyện Cao Lộc. Trong hồ sơ có các giấy tờ: hợp đồng mua bán xe ô tô KIA, số loại CERATO viết tay, không có chứng thực của cơ quan chức năng; giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô con do Công an tỉnh Nghệ An cấp. Qua kiểm tra, cán bộ đội nghi vấn giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô này không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh lưu thông tin về phương tiện đăng ký

Từ nghi vấn trên, Đội Đăng ký, quản lý phương tiện đã tiến hành tra cứu, đối chiếu giữa thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký xe với phương tiện thực tế và giữ liệu trên hệ thống quản lý. Kết quả cho thấy, các thông tin về phương tiện như nhãn hiệu, số loại, màu sơn, số khung, số máy đều trùng khớp. Tuy nhiên, tên chủ xe, địa chỉ tại giấy đăng ký do bà P.T.H cung cấp với hệ thống quản lý dự liệu về phương tiện có sự khác biệt. Với những dấu hiệu trên bà P.T.H vi phạm điểm e, khoản 7, điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ – CP ngày 30/10/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như: “…Khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để được cấp lại biển số, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường…”. Căn cứ các điều, khoản khác của nghị định này, Phòng Cảnh sát giao thông đã tạm giữ phương tiện, giấy tờ liên quan để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Nếu hành vi này không được phát hiện kịp thời, có thể phương tiện nhập lậu, không có chứng nhận đăng ký của cơ quan có thẩm quyền… được hợp thức hóa và bán ra thị trường.

Thượng tá Dương Văn Toàn, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Trong quá trình thực hiện công tác nghiệp vụ, cán bộ chuyên môn gặp không ít đối tượng sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm pháp lợi dụng việc mua, bán, chuyển nhượng để trực lợi, chiếm đoạt tài sản. Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm chiếm đoạt tài sản, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền thông tin trên các phương tiện truyền thông như: trang thông tin điện tử của Công an tỉnh; dán thông báo cảnh giác tại bản tin của đơn vị và công an các huyện, thành phố… để người dân nâng cao cảnh giác.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông thủ đoạn của các đối tượng có thể kể đến như: làm giả giấy tờ phương tiện; thay thế số máy, số khung; làm giả chứng từ lệ phí trước bạ… Trong đó, thủ đoạn làm giả giấy tờ phương tiện (đăng ký xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) được các đối tượng sử dụng là thuê xe của cá nhân hoặc từ dịch vụ thuê xe tự lái. Sau khi có được phương tiện, đối lượng làm giả giấy tờ rồi mang xe đi bán hoặc cầm cố với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Thủ đoạn thay thế, tráo đổi số khung, số máy được thực hiện chủ yếu đối với xe ô tô. Đối tượng sử dụng thân máy, khung xe không có giấy tờ, xe bị chiếm đoạt trái phép, xe nhập lậu để thay thế vào xe đã được đăng ký (do sử dụng lâu ngày, tai nạn nên máy, khung bị xuống cấp hoặc hỏng; sau khi chiếc xe được “phù phép” với đầy đủ điều kiện để cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận thì chuyển nhượng cho người khác để trục lợi. Với trường hợp chủ xe vì lý do riêng mà không trực tiếp nộp lệ phí trước bạ, thuê dịch vụ (nhân viên, đại lý bán xe…) đi nộp hộ, đối tượng xấu sẽ lợi dụng việc này để làm giả giấy nộp tiền của các ngân hàng và chiếm đoạt tiền lệ phí của chủ xe.

Trung tá Nguyễn Cao Huy, Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Thủ đoạn hàn, cắt, đục lại số khung số, số máy, làm giả giấy tờ của các đối tượng rất tinh vi nếu không phải là người có chuyên môn thì rất khó phát hiện. Nạn nhân mà đối tượng xấu thường nhắm tới là chủ hiệu cầm đồ hoặc cá nhân hám lợi, thời gian giao dịch thường vào buổi chiều tối hoặc ban đêm để người mua khó phân biệt thật, giả; đặc biệt là tạo lý do ngoài giờ hành chính nên khó khăn trong việc chứng thực giấy tờ khiến người mua phải chấp nhận giấy tờ mua bán chỉ có chữ ký của bên bán.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát giao thông đã phát hiện 1 vụ việc, 10 thông tin tham vấn từ người dân liên quan đến những hành vi trên. Hiện nay, thị trường mua bán phương tiện đã qua sử dụng khá sôi động bởi giá cả phải chăng, phù hợp với thu nhập của nhiều người. Tuy nhiên, khi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, người dân cần thận trọng, tuân thủ các quy định của pháp luật, có sự tham vấn đối với lực lượng chức năng liên quan nhằm tránh bị đối tượng xấu trục lợi

THỤC QUYÊN