Thứ sáu,  20/09/2024

Khẩn trương thực hiện Công điện của Thủ tướng về rà soát, kiểm tra hoạt động đấu giá

Việc doanh nghiệp liên tiếp “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm, đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, của các nhà đầu tư, tạo hệ lụy xấu cho thị trường bất động sản Việt Nam trong những ngày đầu năm mới năm 2022.

Khẩn trương thực hiện Công điện của Thủ tướng về rà soát, kiểm tra hoạt động đấu giá - Ảnh 1.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vụ việc liên quan đến đấu giá đất thời gian qua, trong đó có nêu lên một số thực trạng như “cò đất”, “quân xanh – quân đỏ”, đấu giá đất rất cao một số lô rồi “bỏ cọc” để tạo mặt bằng giá “đất ảo” nhằm trục lợi, thao túng thị trường, mua đi bán lại các lô đất đã trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức…

Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng giao các bộ gồm: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý nghiêm các vi phạm về đấu giá, có yếu tố trục lợi trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngân hàng Nhà nước cần rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất để đảm bảo an toàn tín dụng.

Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung quy định để phân định các trường hợp, khu vực thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất với các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất kèm theo điều kiện cụ thể đối với tổ chức, doanh nghiệp tham giá đấu thầu dự án.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất như thống nhất về hình thức, trình tự, thủ tục trong tổ chức thực hiện; xác định giá khởi điểm để đấu giá đất; số tiền đặt trước khi tham gia và số tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng khi trúng thầu…

Khẩn trương thực hiện Công điện của Thủ tướng về rà soát, kiểm tra hoạt động đấu giá - Ảnh 2.

TS. Trần Minh Sơn: Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị. Ảnh VGP/Lê Sơn

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng, hiện không có quy định riêng về đấu giá đất. Luật Đấu giá quy định trình tự, thủ tục đấu giá cho các tài sản bắt buộc phải xử lý theo hình thức đấu giá. Do đó, không cần thiết xây dựng một trình tự thủ tục riêng cho quyền sử dụng đất.

Đối với vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm cho thấy những vấn đề phát sinh hậu đấu giá như thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Vì vậy, ý kiến của Bộ Xây dựng đúng là cần rà soát tổng thể các quy định liên quan đến xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất, quy trình thanh toán tiền trúng đấu giá và chế tài áp dụng với người vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.

Trả lời Báo Điện tử Chính phủ, TS. Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Thái Bình Dương (PIAC) nhìn nhận:  Sau các cuộc đấu giá 04 lô đất tại Thủ Thiêm (ngày 10/12/2021) lần lượt các doanh nghiệp (Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Tập đoàn Tân Hoàng Minh); Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh) thông báo “bỏ cọc” đã cho thấy rõ các bất cập và cần thiết phải khẩn trương thực hiện Công điện số 1767/CĐ-CP ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị, nhằm xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai, không để bị lợi dụng đấu giá để trục lợi bất chính.

TS. Trần Minh Sơn phân tích, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm mục đích thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị “hoàn toàn khác biệt” với đấu giá từng nền nhà, từng căn hộ hoặc đấu giá một bức tranh, một món đồ cổ, hay đấu giá tài sản thanh lý… Do vậy, cần nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để việc thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, tránh nhiều trường hợp nhà đầu tư “xí chỗ”, chuyển nhượng dự án, đất để không, hoang hóa, trong khi đó, người dân thì không có đất để sản xuất, giá đất leo thang, việc xây dựng và thực hiện các chính sách nhà ở thương mại giá rẻ nhằm tạo lập chỗ ở cho người dân có thu nhập thấp ngày càng khó khăn.

Để thực hiện hiệu quả việc này, trên cơ sở Công điện của Thủ tướng Chính phủ, theo TS. Trần Minh Sơn, Nhà nước cần phải kiểm soát, quản lý 3 vấn đề quan trọng sau đây:

Thứ nhất, đánh giá chất lượng dự án đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư, mà hiện nay quy định pháp luật chưa làm rõ quy định này.

Thứ hai, đánh giá năng lực của nhà đầu tư, trước hết là “có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư” (quy định tại điểm a khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai 2013) mà hiện nay quy định pháp luật chưa làm rõ quy định này.

Thứ ba, ngăn ngừa việc lợi dụng đấu giá để thổi giá đất, tạo mặt bằng giá đất “ảo” để đầu cơ đất đai làm nhiễu loạn thị trường, trục lợi bất chính.

Do đó, các bộ, ngành cần tích cực khẩn trương thực hiện Công điện số 1767/CĐ-CP  của Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm xây dựng thị trường bất động sản Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là sau bối cảnh dịch COVID-19./.

Theo Baochinhphu