Thứ sáu,  20/09/2024

Bước đột phá trong xét xử trực tuyến

Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân được coi là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án cũng như xây dựng Tòa án điện tử. (Ảnh CTV)

Cuối tuần đầu năm mới 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, lần đầu tiên Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND kết nối phiên tòa xét xử trực tuyến tại điểm cầu TAND cấp cao tại Hà Nội; TAND thành phố Hải Phòng; TAND tỉnh Bắc Giang-Trại tạm giam Công an tỉnh. Đây là mô hình tổ chức xét xử trực tuyến lần đầu tiên trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND được coi là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án cũng như xây dựng Tòa án điện tử.

Tại sự kiện này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng các đại biểu chứng kiến việc vận hành mô hình Trung tâm và trực tiếp theo dõi phiên tòa xét xử trực tuyến. Theo các chuyên gia công nghệ, Trung tâm được xây dựng nhằm mục đích tạo ra “bộ não số” của Tòa án, với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra cái nhìn tổng thể trong giám sát, điều hành, cũng như nắm bắt các kết quả phân tích số liệu thống kê, báo cáo phục vụ công tác.

Chuyển đổi số ngành Tòa án

Quan sát tại chỗ việc kết nối đi vào hoạt động hệ thống, chúng tôi thấy từ Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND, TAND cấp cao tại địa chỉ 48 phố Lý Thường Kiệt, thành phố Hà Nội kết nối TAND tỉnh Lạng Sơn; TAND thành phố Hải Phòng-UBND thành phố Hải Phòng; TAND tỉnh Bắc Giang-Trại tạm giam tỉnh. Điểm cầu TAND cấp cao tại Hà Nội diễn ra phiên xét xử trực tuyến phiên tòa phúc thẩm đối với bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Trước đó, TAND tỉnh Lạng Sơn đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo hai năm tù; sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo.

Phiên tòa xét xử có hai điểm cầu, trong đó, điểm cầu trung tâm đặt tại trụ sở TAND cấp cao tại Hà Nội. Thành phần Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên Viện KSND cấp cao tại Hà Nội. Điểm cầu thành phần đặt tại TAND tỉnh Lạng Sơn có những người tham gia tố tụng gồm: bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại là bố, mẹ của nạn nhân. Hình ảnh, âm thanh lời nói của các bên và quá trình xét xử diễn ra công khai, thông tin rõ ràng. Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã chứng kiến phiên tòa xét xử trực tuyến tại điểm cầu TAND thành phố Hải Phòng liên quan vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất”.

Phiên tòa xét xử có hai điểm cầu gồm: điểm cầu trung tâm tại TAND thành phố Hải Phòng; điểm cầu thành phần tại UBND thành phố Hải Phòng có Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện. Tại điểm cầu còn có cán bộ Tòa án và đại diện cán bộ một số sở, ngành hữu quan thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, hỗ trợ về tố tụng, nghiệp vụ và kỹ thuật công nghệ thông tin…

Tăng năng lực hoạt động và quản trị 

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc áp dụng phiên tòa xét xử trực tuyến nhằm góp phần chủ động và thích ứng linh hoạt. Nhấn mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tòa án, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, trước yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại các văn kiện của Đảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước.

Tại kỳ họp thứ hai, trên cơ sở đề nghị của TAND tối cao, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là các quy định mới nhằm thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng về việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án và tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta.

Đồng chí Nguyễn Văn Du cho biết thêm: Thực hiện kế hoạch xây dựng Tòa án điện tử, TAND tối cao ban hành hai nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tố tụng điện tử; đưa vào sử dụng Trang điện tử Án lệ và công khai bản án; xây dựng và vận hành thường xuyên hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu các TAND và Tòa án Quân sự cấp quân khu; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị Tòa án.

Mới đây, liên ngành Tư pháp Trung ương vừa ký ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/ 2022 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội.

Cụ thể, phiên tòa trực tuyến, tại điểm cầu trung tâm, thành phần tham gia bắt buộc gồm: Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án. Đương sự, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; người bào chữa, người tham gia tố tụng khác (nếu có), tham gia tại điểm cầu trung tâm nếu họ lựa chọn hoặc Tòa án triệu tập. Trường hợp phiên tòa được tổ chức công khai thì Tòa án có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để cá nhân, cơ quan, tổ chức tham dự phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật.

Về trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa trực tuyến, thực hiện như phiên tòa thông thường theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Đối với vụ án hành chính, vụ án dân sự thì người tham gia tố tụng tự sao chụp theo hình thức dữ liệu điện tử và gửi cho Hội đồng xét xử. Việc giao nộp chứng cứ, tài liệu thực hiện theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 83 của Luật Tố tụng hành chính.

Chủ tọa phiên tòa phải công bố (trừ trường hợp tài liệu, chứng cứ liên quan bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi, hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự), xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ này sau khi nhận được bản sao chụp tài liệu, chứng cứ. Phiên tòa trực tuyến phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh dưới dạng dữ liệu điện tử…

(Theo Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP)

Theo Nhandan