Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan thì còn tồn tại những lỗ hổng pháp lý cần cơ quan chức năng nghiên cứu khắc phục.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp năm 2021, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được hơn 9.000 tỷ đồng trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự cũng thẳng thắn nhìn nhận nhóm vụ việc liên quan đến án kinh tế, tham nhũng, số tiền phải thu hồi rất lớn (chiếm 25% số tiền phải thi hành cả nước) nhưng tài sản bảo đảm để thu không được nhiều.

Theo số liệu của Tổng cục Thi hành án dân sự, đến cuối năm 2020, các vụ án lớn như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tòa tuyên bị cáo phải sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng mới thu về cho Nhà nước được 500 tỷ đồng. Vụ án Trịnh Xuân Thanh, bị cáo phải bồi thường 122 tỷ đồng, nhưng mới kê biên thi hành án được 31 tỷ đồng. Vụ án Đinh La Thăng, sau 4 bản án, bị cáo phải bồi thường hơn 800 tỷ đồng, hay theo bản án, Dương Chí Dũng phải bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng quá trình thi hành các bản án này, dù cơ quan chức năng đã xử lý hết tài sản kê biên cũng chỉ thu hồi được rất ít…

Khoảng trống pháp luật trong kê biên tài sản bảo đảm thi hành án
Các đại biểu tham gia tọa đàm liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm tại tòa án và thi hành án do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 26-3-2021. Ảnh: TTXVN 

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, các đối tượng ở những vụ án lớn thường có trình độ, có chức quyền, hiểu biết pháp luật, đặc biệt có mối quan hệ xã hội nên khi tha hóa, họ không chỉ thực hiện hành vi phạm tội tinh vi mà còn che giấu, tẩu tán ngay từ khi có được tài sản phi pháp. Kê biên tài sản là một biện pháp cưỡng chế của cơ quan tố tụng áp dụng với bị can, bị cáo nhằm bảo đảm thi hành phần dân sự trong bản án hình sự.

Tuy nhiên, Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 lại quy định: “Kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại”. “Quy định như vậy có nghĩa là kê biên tài sản chỉ áp dụng khi đối tượng bị khởi tố hoặc khi bị đưa ra xét xử. Còn giai đoạn tiền tố tụng, đối tượng bị kiểm toán, thanh tra, kiểm tra hoặc trong giai đoạn khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can thì chưa có biện pháp ngăn chặn cụ thể. Đây chính là kẽ hở của pháp luật, tạo ra khoảng thời gian giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản”-luật sư Nguyễn Thanh Tùng phân tích.

Thực tế có rất nhiều vụ án lớn xảy ra và khi điều tra mới rõ tài sản là do phạm tội có được đã cho bố mẹ đẻ, con đã thành niên đứng tên, thậm chí có trường hợp nhờ cả bạn bè, anh chị em đứng tên như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Trịnh Xuân Thanh, Phan Sào Nam… Mặc dù pháp luật đã có quy định tài sản phạm pháp dù đã cho người khác đứng tên cũng bị kê biên phong tỏa để bảo đảm thi hành án, tuy nhiên, để cơ quan chức năng truy tìm đủ chứng cứ chứng minh điều đó cũng không hề đơn giản.

Theo các chuyên gia pháp luật, tại Khoản 3 Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định “chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại”. Quy định như vậy để bảo đảm cho quyền lợi của bị can, bị cáo, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc cơ quan có thẩm quyền phải xác định được biện pháp chế tài dân sự mà tòa án sẽ áp dụng, phải ước tính mức tiền phạt, tài sản bị tịch thu, số tiền bồi thường thiệt hại rồi mới xác định tài sản cần kê biên và kê biên bao nhiêu để tương ứng với số tiền bị can, bị cáo bị phạt, tịch thu, bồi thường. Điều này là rất khó nếu như không yêu cầu định giá tài sản để xác định giá trị tài sản có ý định kê biên.

Luật sư Đỗ Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Sự thật cho biết: “Để có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố thì cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành nhiều thủ tục, trình tự giám định thiệt hại theo quy định pháp luật, mất nhiều thời gian, chi phí, rủi ro cao và ảnh hưởng đến thời hạn tiến hành tố tụng nên không mặn mà với công việc này mà thường đẩy trách nhiệm cho cơ quan thi hành án.

Bên cạnh đó, pháp luật tố tụng hình sự vẫn chủ yếu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội mà chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm trong việc phát hiện, xác minh tiền, tài sản phi pháp hay có nguồn gốc phi pháp của bị can, bị cáo để có thể áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản. Đối với tài sản chung, nhiều đồng sở hữu thì việc kê biên trong giai đoạn điều tra còn phức tạp hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai sót hơn và còn phải chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước nếu kê biên, niêm phong không đúng.

Việc thu hồi lại được tài sản bị thất thoát, tham nhũng, phi pháp là kết quả cao nhất của công cuộc đấu tranh với tội phạm, phòng, chống tham nhũng. Công cuộc ấy sẽ đạt hiệu quả và toàn diện hơn nếu chúng ta bổ sung để có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Luật sư Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị: “Việc kê biên tài sản bảo đảm thi hành án cần được quy định đầy đủ, chi tiết để có thể vận dụng ở các giai đoạn, chứ không chỉ đến khi khởi tố bị can hay khi phiên tòa diễn ra và nên mở rộng thẩm quyền cho cả cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, quy định cơ quan có thẩm quyền được quyền ước tính giá trị tài sản kê biên tương ứng với số tiền, tài sản phạm pháp phải thu hồi trong khung sai số cho phép”. Luật sư Đỗ Viết Hải kiến nghị: “Cần quy định rõ trách nhiệm kê biên tài sản của cơ quan điều tra, khẳng định đây là biện pháp bắt buộc và hệ quả pháp lý đối với trường hợp người có thẩm quyền không áp dụng biện pháp kê biên dẫn đến người phải thi hành án tẩu tán tài sản, giảm hiệu quả thi hành án”.