Thứ hai,  08/07/2024

Thẩm định dự thảo Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc về đầu tư xây dựng giao thông đường bộ

 Ngày 29/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc về đầu tư xây dựng giao thông đường bộ - Ảnh 1.

Nghị quyết thí điểm nhằm đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp, tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng – Ảnh: VGP

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có bước phát triển mạnh mẽ

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua hơn 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (2011 – 2020) và 11 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống quốc lộ cơ bản đã hoàn thiện, gồm các trục dọc, trục ngang, trục hướng tâm cũng như hệ thống đường vành đai, kết nối thuận lợi với hệ thống cao tốc và đường địa phương; các trục quốc lộ cơ bản đã kết nối đến các cảng biển loại I và các cửa khẩu quốc tế, tạo thuận lợi cho giao lưu đối ngoại. Nhiều công trình trọng điểm, hiện đại đã được hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng như các tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Bắc Giang – Lạng Sơn, Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Móng Cái…; các hầm Đèo Cả, Hải Vân,… đến nay đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế  – xã hội của khu vực có tuyến đi qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật (các luật: Giao thông đường bộ, Đầu tư công, Ngân sách nhà nước, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, Xây dựng, Tổ chức chính quyền địa phương, Khoáng sản…) vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ, bao gồm cả phương thức đầu tư công và đầu tư PPP đã bộc lộ một số vướng mắc, phát sinh trong quy định về tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP; thẩm quyền đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc qua các địa phương; việc khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng;…

Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là cần thiết nhằm đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp (Nhà nước, tư nhân, Trung ương, địa phương), tháo gỡ nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ vướng mắc về đầu tư xây dựng giao thông đường bộ - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh: Rà soát kỹ các quy định về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng ngân sách đã bố trí cho các chương trình – Ảnh: VGP

Cần làm rõ tính đặc thù, vượt trội của Nghị quyết thí điểm

Đối với vấn đề nguồn vật liệu phục vụ thi công các dự án, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường nhất trí cần thiết phải có quy định các cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp phép, đáp ứng đủ nguồn cung cấp vật liệu góp phần đảm bảo tiến độ thi công các dự án và mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, đại diện Bộ này cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ những dự án hạ tầng giao thông đường bộ ở quy mô, mức độ nào thì nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, đánh giá thêm các kết quả đã đạt được và những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; từ đó làm rõ sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết thí điểm này.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về các quy định cơ chế chính sách đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 và tăng thu ngân sách Trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá các ý kiến thảo luận từ thành viên Hội đồng có tính xây dựng cao, tâm huyết; các nội dung của dự thảo Nghị quyết phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Để hoàn thiện hồ sơ dự thảo, Thứ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình thêm về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và thời gian áp dụng Nghị quyết thí điểm; so sánh, đối chiếu với Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để thấy rõ được tính vượt trội, đặc thù của Nghị quyết này.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ các quy định về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 và tăng thu ngân sách Trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư, đặc biệt là quy định về bố trí vốn cho tỉnh Nghệ An để thực hiện thanh toán kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Nguồn:https://baochinhphu.vn/tham-dinh-du-thao-nghi-quyet-thao-go-vuong-mac-ve-dau-tu-xay-dung-giao-thong-duong-bo-102230829172832867.htm

Theo baochinhphu.vn