Thứ sáu,  05/07/2024

Đối thoại chính sách pháp luật với hội viên phụ nữ: Hình thức tuyên truyền hiệu quả

– Cùng với các hình thức tuyên truyền pháp luật thường xuyên, từ đầu năm 2023 đến nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách pháp luật với hội viên. Qua đó, tạo điều kiện cho phụ nữ nói lên tâm tư, nguyện vọng, đồng thời tuyên truyền nhiều chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến đông đảo hội viên và Nhân dân.


Hội viên phụ nữ xã Lương Năng, huyện Văn Quan phát biểu ý kiến tại hội nghị đối thoại

Ngày 24/8/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Lương Năng, huyện Văn Quan, chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN xã tổ chức hội nghị đối thoại chính sách với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình” tại xã, với trên 70 đại biểu tham dự. Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã có 12 ý kiến tập trung vào các vấn đề như: các hành vi bạo lực gia đình, biện pháp xử lý bạo lực gia đình, các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình, giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình, chế độ, chính sách dành cho nạn nhân bị bạo lực gia đình… Các ý kiến đã được cấp ủy, chính quyền xã giải đáp, làm rõ.

Bà Hoàng Thị Khì, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Bản Téng cho biết: Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tham gia hội nghị đối thoại với phụ nữ như thế này. Nếu trong các buổi tuyên truyền trước đây chủ yếu chúng tôi chỉ nghe cán bộ hội nói, thì bây giờ tại hội nghị đối thoại chúng tôi được phát biểu nhiều hơn, đặt câu hỏi về tình huống xảy ra của mỗi gia đình. Tôi thấy hội nghị đối thoại rất ý nghĩa, qua các phần giải đáp câu hỏi giúp chúng tôi dễ hiểu, dễ nhớ hơn các quy định của pháp luật.

Không chỉ tại xã Lương Năng, được biết từ cuối tháng 8/2023 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn, chỉ đạo tổ chức được 10 hội nghị điểm đối thoại chính sách pháp luật với hội viên phụ nữ, tại 10 xã thuộc 10 huyện trên địa bàn tỉnh. Đây là hình thức mới, điểm nhấn nổi bật trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các cấp hội trong năm 2023.

Từ cuối tháng 8/2023 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn, chỉ đạo tổ chức được 10 hội nghị điểm đối thoại chính sách pháp luật với hội viên phụ nữ, tại 10 xã thuộc 10 huyện trên địa bàn tỉnh. Đây là hình thức mới, điểm nhấn nổi bật trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các cấp hội trong năm 2023.

Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Chương trình đối thoại chính sách pháp luật với hội viên phụ nữ nằm trong khuôn khổ triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, trong chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030. Chúng tôi đã hướng dẫn hội LHPN tại 10 xã điểm tổ chức đối thoại chính sách pháp luật. Qua đối thoại, chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp của đảng ủy, chính quyền và các ban, đoàn thể xã trong việc tổ chức triển khai thực hiện; sự chuẩn bị chu đáo của hội LHPN xã. Các hội nghị đối thoại là dịp để hội viên phụ nữ chia sẻ những vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách và khó khăn trong cuộc sống. Theo kế hoạch, các cấp hội phấn đấu từ nay đến hết năm 2024, toàn tỉnh tổ chức trên 200 hội nghị đối thoại tại các xã trên địa bàn tỉnh.

Để các cuộc đối thoại thành công, các cấp hội chú trọng khâu lựa chọn chủ đề đối thoại. Trong đó, hội LHPN cấp xã khảo sát nhu cầu, tâm tư của hội viên, lựa chọn nội dung phù hợp. Tập trung vào một số vấn đề, chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em như: Phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; các chính sách an sinh xã hội; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; chính sách dân số; phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em…

Bà Hoàng Thị Thảo, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Tiến, huyện Tràng Định cho biết: Xã có 7 chi hội phụ nữ, hơn 400 hội viên. Từ tình hình thực tế, nhu cầu của hội viên, được sự hướng dẫn, chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh, cấp ủy, chính quyền xã, đầu tháng 9/2023, Hội LHPN xã tổ chức hội nghị đối thoại chính sách pháp luật với phụ nữ chủ đề “Tảo hôn, chính sách dân số, công tác bảo vệ môi trường”. Tại hội nghị, chúng tôi vừa giải đáp các câu hỏi, vừa lồng ghép tuyên truyền các chính sách pháp luật về chủ đề đối thoại. Qua đó, giúp hội viên dễ hiểu, hào hứng tham gia, mạnh dạn đặt câu hỏi, trao đổi nhiều hơn, do đó đạt hiệu quả cao hơn so với các hội nghị tuyên truyền một chiều thông thường.

Cùng với đó, sau các cuộc đối thoại, các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền kết quả đối thoại thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã, sinh hoạt chi hội, mạng xã hội và các “Tổ truyền thông cộng đồng”, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”… Đồng thời, hội LHPN xã tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Việc tổ chức đối thoại chính sách pháp luật với hội viên phụ nữ đã mang lại những hiệu quả bước đầu, thiết thực, thu hút đông đảo hội viên và Nhân dân tham gia. Qua đối thoại giúp cấp ủy, chính quyền, các cấp hội phụ nữ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, từ đó đề xuất những chính sách phù hợp, đồng thời tuyên truyền trực tiếp nhiều quy định của pháp luật cho những người tham gia hội nghị đối thoại. Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại chính sách pháp luật với hội viên phụ nữ. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, năng lực làm chủ của phụ nữ, đảm bảo tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

DƯƠNG DUYÊN