Thứ tư,  03/07/2024

Tòa án Nhân dân thành phố: Xây dựng mô hình điểm nâng chất lượng xét xử

Thẩm phán, thư ký TAND thành phố trao đổi chuyên môn nghiệp vụ

– Với đặc điểm địa bàn trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, Tòa án Nhân dân (TAND) thành phố có số lượng án lớn nhất trong 11 huyện, thành phố. Do đó, TAND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác xét xử. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng mô hình điểm.

Trước thực tế tình hình tội phạm, các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình trên địa bàn thành phố ngày một gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp. Do đó, đặt ra yêu cầu công tác của TAND ngày càng phải đổi mới, nâng cao chất lượng. Ông Dương Xuân Tĩnh, Chánh án TAND thành phố cho biết: Hiện nay, đơn vị có 24 công chức, lao động. Trong đó có 9 thẩm phán, 9 thư ký và 6 cán bộ khác; 100% cán bộ, công chức giữ chức danh tư pháp có trình độ cử nhân luật trở lên. Để nâng cao chất lượng công tác xét xử, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ, bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp; các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của TAND cấp trên. Từ nhiều năm trước chúng tôi cũng đã triển khai các giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng xét xử, đến năm 2023 chúng tôi đã chỉ đạo đưa những giải pháp hiệu quả này xây dựng thành mô hình điểm để triển khai đồng bộ trong đơn vị, với 3 mô hình điểm gồm: “Nâng cao chất lượng công tác xét xử thông qua giám sát trực tuyến phiên tòa”; “Tăng cường vai trò của Tổ kiểm tra, đôn đốc tiến độ trong giải quyết án dân sự, kinh doanh thương mại”; “Nâng cao chất lượng hòa giải các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại theo Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”. Các mô hình đã đem lại kết quả thiết thực trong công tác.

Như thực hiện mô hình “Nâng cao chất lượng công tác xét xử thông qua giám sát trực tuyến phiên tòa”, trong quá trình xét xử tại hội trường được lắp đặt thiết bị trực tuyến để 3 đồng chí lãnh đạo TAND thành phố giám sát thường xuyên. Qua đó, đã kịp thời phát hiện ra các sơ suất, hạn chế trong quá trình điều hành tại phiên tòa để rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao trình độ của thẩm phán, thư ký, hạn chế thấp nhất các sai sót trong quá trình xét xử. Trong năm 2023 (tính từ 1/10/2022 đến 30/9/2023), đơn vị đã thực hiện giám sát 136/266 phiên tòa, chiếm tỷ lệ 51% các vụ án được đưa ra xét xử (vượt chỉ tiêu 21% so với chỉ tiêu đơn vị đã đăng ký với TAND tỉnh).

Bà Hứa Thị Thanh Xuyến, thẩm phán TAND thành phố cho biết: Trong năm 2023, tôi giải quyết 89 vụ án, vụ việc các loại, trong đó trên 50% vụ án đưa ra xét xử được giám sát trực tuyến. Qua công tác giám sát trực tuyến phiên tòa đã kịp thời phát hiện sơ suất trong quá trình xét xử. Sau đó lãnh đạo đơn vị có những góp ý để chúng tôi rút kinh nghiệm trong quá trình xét xử như về tác phong, việc điều hành phiên tòa của thẩm phán; việc áp dụng các quy định của pháp luật trong giải quyết vụ án… Đồng thời, trong quá trình giải quyết án, lãnh đạo đơn vị thường xuyên quan tâm tiến độ, hướng dẫn giải quyết vướng mắc qua các cuộc họp giao ban hằng tuần. Nhờ đó, giúp chúng tôi nâng cao chất lượng xét xử, năm 2023, 100% vụ án do tôi xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, không có vụ án nào phải sửa, hủy.

Hay như thực hiện mô hình “Nâng cao chất lượng hòa giải các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại theo Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”, TAND thành phố luôn chú trọng công tác hòa giải trong giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động. Hiện TAND thành phố có 6 hòa giải viên, đội ngũ này có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, từ đó giúp hòa giải thành công nhiều hồ sơ khởi kiện, giảm thiểu số vụ án khởi kiện tại tòa án, giảm căng thẳng, mâu thuẫn trong các quan hệ tranh chấp, giữ tinh thần đoàn kết trong Nhân dân. Năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành của đơn vị đạt 75,3% (vượt 25,3% so với chỉ tiêu TAND tối cao quy định).

Ông Trần Văn Bình, hòa giải viên TAND thành phố cho biết: Tôi làm hòa giải viên tại đây từ năm 2021. TAND thành phố đã bố trí cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên cử chúng tôi tham gia các lớp bồi dưỡng do cấp trên tổ chức. Trong năm 2023, tôi đã hòa giải thành công gần 60% vụ việc, vượt chỉ tiêu được giao.

Ngoài thực hiện 2 mô hình điểm trên, mô hình còn lại và các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử do TAND tối cao, tỉnh đề ra đều được đơn vị quan tâm, triển khai thực hiện tốt.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, xây dựng mô hình điểm hiệu quả, thiết thực, chất lượng xét xử tại TAND thành phố ngày càng nâng cao. Năm 2023, các chỉ tiêu công tác của TAND thành phố đều đạt và vượt, đơn cử như giải quyết 810/814 vụ việc, đạt tỷ lệ 99,5% (tăng 0,6% so với năm 2022). Trong đó, án hình sự đạt 99,5% (vượt 9,5% so với chỉ tiêu của TAND tối cao giao); án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động đạt tỉ lệ 99,3% (vượt 14,3% so với chỉ tiêu của TAND tối cao giao); tỷ lệ án sửa, hủy chiếm 0,18%, thấp hơn tỉ lệ quy định của TAND tối cao và Quốc hội (không quá 1,5%). TAND thành phố là điển hình, cờ đầu trong công tác xét xử của Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh, 2 năm liên tục (2022 – 2023) đơn vị nhận được Cờ thi đua của TAND tối cao.

DƯƠNG DUYÊN