Thứ sáu,  20/09/2024

Hàng loạt nước xúc tiến các gói hỗ trợ kinh tế

Đại dịch COVID-19 đã lan rộng toàn thế giới, đẩy nền kinh tế toàn cầu nói chung và các nước nói riêng đối mặt với nhiều nguy cơ khiến hàng loạt nước phải xúc tiến các gói hỗ trợ kinh tế.

Từ châu Âu

Ngày 16/3, bộ trưởng tài chính các nước Liên minh châu Âu (EU) cam kết chung tay chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang hủy hoại các nền kinh tế trong khu vực.

Tại cuộc họp trực tuyến, các bộ trưởng tài chính EU đã ký phê chuẩn một loạt đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm phối hợp nỗ lực trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay, trong đó có đề xuất bãi bỏ các quy định liên quan đến việc các nước thành viên bội chi. Những đề xuất này sẽ đi kèm với biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Tuy nhiên, các bộ trưởng EU nhất trí tạm thời chưa huy động Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực của các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trị giá 410 tỷ euro.

Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng tài chính EU cho biết chính phủ các nước khu vực hiện đã bơm vào nền kinh tế số tiền tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của châu Âu, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn. Nếu được triển khai, quỹ cứu trợ ESM có thể bơm khoảng 3,4% tổng GDP của Eurozone vào nền kinh tế khu vực.

Trước tình trạng dịch bệnh COVID-19 đã làm đình trệ tất cả hoạt động kinh tế, EC mới đây dự đoán EU và Eurozone sẽ có thể rơi vào suy thoái kinh tế trong năm 2020 cho dù tháng 2 vừa qua đã dự báo kinh tế Eurozone có thể tăng trưởng 1,2% trong hai năm 2020 và 2021.

Nhằm hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh chi 25 tỷ euro (tương đương 27,8 tỷ USD). Sắc lệnh này giúp Italy có thể giảm nhẹ tác động từ dịch bệnh COVID-19, bao gồm việc hoãn thanh toán nợ đối với các công ty nhờ có nhà nước bảo lãnh với các ngân hàng, tăng ngân sách giúp các doanh nghiệp chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa.

Chính phủ Nga cũng thông báo giải ngân 4 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp chung sức hỗ trợ làm chậm đà lây lan dịch bệnh.

Chính phủ Thụy Điển cũng công bố gói biện pháp trị giá hơn 300 tỷ krona (30,94 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Gói hỗ trợ này bao gồm các biện pháp như chính quyền trung ương gánh toàn bộ chi phí cho việc nghỉ ốm của nhân viên tại các công ty từ tháng 4 tới tháng 5, cũng như chi phí hỗ trợ những người mất việc tạm thời do dịch bệnh. Ngoài ra, các công ty cũng được phép hoãn nộp thuế và thuế giá trị gia tăng trong thời gian lên tới 1 năm, có hiệu lực từ đầu năm 2020.

Trước đó, Thụy Điển đã hỗ trợ tài chính cho giới chức địa phương nhằm ứng phó dịch bệnh, trong khi ngân hàng trung ương cung cấp các khoản vay lên tới 500 tỷ krona (51,6 tỷ USD) cho các doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng.

Chính phủ Đức cũng đưa ra kế hoạch 3 giai đoạn để hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm các gói hỗ trợ tín dụng từ Ngân hàng Tái thiết Đức, hoãn nộp thuế. Nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở mức độ lớn và các công ty đóng cửa, Đức sẽ áp dụng các biện pháp tương tự như đã được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Đến châu Á

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ngày 17/3, đã công bố kế hoạch thành lập một “Hội đồng kinh tế khẩn cấp” do chính ông đứng đầu và thúc đẩy các bước đi táo bạo góp phần củng cố nền kinh tế để đối phó với đại dịch COVID-19.

Ông Moon Jae-in nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tìm kiếm các gói kích thích mới để gộp với khoản ngân sách bổ sung 11.700 tỷ won (9,53 tỷ USD) dự kiến được quốc hội nước này thông qua trong ngày hôm nay, đồng thời tiến hành giảm mạnh lãi suất.

Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez tối 16/3 công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 27,1 tỷ peso (khoảng 526 triệu USD) nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ kinh tế cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch này.

Gói hỗ trợ tài chính này bao gồm khoản bổ sung 3,1 tỷ peso hỗ trợ trực tiếp cho những biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, như mua các bộ xét nghiệm chẩn đoán bệnh; khoản hỗ trợ 2 tỷ peso dành cho các biện pháp bảo vệ xã hội đối với những người lao động dễ bị tổn thương; huy động khoảng 1,2 tỷ sẵn có trong hệ thống an sinh xã hội nhằm hỗ trợ các khoản chi trả thất nghiệp; triển khai các chương trình hỗ trợ tới 14 tỷ peso cho lĩnh vực du lịch; 2,8 tỷ peso cho các khoản vay không lãi suất đối với nông dân và ngư dân bị ảnh hưởng; 1 tỷ peso dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ bị ảnh hưởng.

Tại Thái Lan, ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính nước này cho biết Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) để ngỏ khả năng tiếp tục giảm lãi suất nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19. BOT dự kiến giảm lãi suất chính sách ít nhất 25 điểm cơ sở vào kỳ họp ngày 25/3 tới nhằm hỗ trợ công tác đối phó dịch bệnh, sau khi Cơ quan Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và một số ngân hàng trung ương khác đưa ra các đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp. BOT cho biết sẽ lưu ý việc Fed giảm lãi suất khẩn cấp trong cuộc họp sắp tới của cơ quan này.

Tại Indonesia, trong cuộc họp Nội các trực tuyến ngày 16/3, Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị tất cả các bộ, ngành nước này hạn chế chi tiêu ngân sách để lấy kinh phí nhằm duy trì sức mua của người dân trong đại dịch COVID-19.

Tổng thống Joko Widodo nêu rõ ngân sách liên quan các chuyến công tác và họp mặt nên hoãn để giúp người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp như người lao động, nông dân, ngư dân, cũng như các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, ít nhất 40.000 tỷ Rp (2,66 tỷ USD) ban đầu được chuẩn bị cho các chuyến công tác và các cuộc họp của quan chức sẽ được giải ngân cho người dân để duy trì sức mua.

Tổng thống Joko Widodo hy vọng chương trình quỹ làng xã với 72.000 tỷ Rp có thể được sử dụng để ưu tiên các dự án công trình công cộng hoặc các chương trình sản xuất khác. Ngoài ra, các tổ chức có liên quan cũng được yêu cầu bắt đầu ngay việc giải ngân trợ cấp xã hội của chính phủ (khoảng 31.300 tỷ Rp) cho các hộ gia đình có thu nhập thấp thông qua Chương trình Hy vọng gia đình.

Chính phủ Malaysia thông báo bổ sung 230 triệu USD trong gói cứu trợ nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19. Khoản tiền này sẽ giúp chi trả lương của người lao động phải nghỉ việc, giảm giá điện, các gói cứu trợ tài chính công. Tháng trước, Malaysia đã công bố gói cứu trợ, trị giá 4,7 tỷ USD, bao gồm việc giảm thuế và tái bố trí kế hoạch hoạt động của các doanh nghiệp.

Cùng ngày, Chính phủ New Zealand công bố một gói cứu trợ trị giá 12,1 tỷ NZD (tương đương 7,34 tỷ USD) nhằm hỗ trợ kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Gói cứu trợ nói trên chiếm khoảng 4% GDP của New Zealand, tương đối lớn so với quy mô các gói kích thích kinh tế vừa được công bố của Australia, Anh và Mỹ. Trong đó, hơn 50% tổng số tiền chi tiêu sẽ dành để trợ cấp lương cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, trong thời điểm các hoạt động kinh doanh bị gián đoạn. Cụ thể, những người làm việc toàn thời gian sẽ nhận được 585 NZD/tuần (355 USD/tuần) và được trả theo hình thức trọn gói 7.000 NZD cho 12 tuần làm việc.

Ngoài ra, Chính phủ New Zealand cũng công bố tăng 25 NZD/tuần (15,17 USD/tuần) tiền trợ cấp cho các hộ gia đình bắt đầu từ tháng 4, cũng như tăng gấp đôi khoản tiền trợ cấp sử dụng năng lượng trong thời điểm mùa Đông, với tổng số tiền lên tới 2,8 tỷ NZD.

Chính phủ Australia đang chịu áp lực phải tăng quy mô của gói kích thích trị giá 17,6 tỷ AUD (11,6 tỷ USD) vừa công bố tuần trước, khi các nhà kinh tế lo ngại các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ là chưa đủ. Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) cho biết sẽ công bố các biện pháp tiếp theo để kích thích nền kinh tế vào ngày 19/3 tới, dự kiến bao gồm giảm lãi suất chính thức xuống 0,25%.

Theo Chinhphu