Thứ sáu,  20/09/2024

Các nước EU thống nhất về kế hoạch kinh tế chung chống dịch Covid-19

Tối 9-4, Bộ trưởng Tài chính của 27 nước Liên hiệp châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về phản ứng kinh tế chung ứng phó dịch bệnh Covid-19. Theo đó, 540 tỷ euro sẽ được huy động để giúp các nước cùng vượt qua khủng hoảng dịch bệnh hiện nay.

Các nước EU thống nhất về kế hoạch kinh tế chung chống dịch Covid-19

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tham dự cuộc họp trực tuyến từ văn phòng ở Paris. 

Các khoản tiền khẩn cấp ứng phó Covid-19 gồm 240 tỷ euro tiền vay từ Quỹ cứu trợ khu vực đồng tiền chung euro, quỹ bảo lãnh vay 200 tỷ euro của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho các doanh nghiệp và quỹ bảo lãnh tối đa 100 tỷ euro của Ủy ban châu Âu để hỗ trợ thất nghiệp một phần.

Tờ Le Monde trích ý kiến của các Bộ trưởng Tài chính EU về sự kiện này, cho rằng thỏa thuận khẳng định sự đoàn kết và quyết tâm của các nước trong khu vực nhằm sớm vượt qua khủng hoảng bệnh dịch. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng sự kiện này đánh dấu một ngày quan trọng đối với EU. Giữa đại dịch Covid-19, sự bế tắc trong các cuộc thảo luận về kế hoạch phục hồi được coi là mối đe dọa đối với sự gắn kết của khu vực đồng euro và nguy cơ tách khỏi EU.

Bộ trưởng Kinh tế Italy Roberto Gualtieri, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch với hơn 18 nghìn người chết, hoan nghênh thỏa thuận này, cho đây là “một đề xuất đầy tham vọng” và Italy sẽ quyết tâm vượt qua khủng hoảng. Còn Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz đánh giá thỏa thuận đạt được trong tối ngày 9-4 đánh dấu “một ngày tuyệt vời cho sự đoàn kết của châu Âu.”

Tuy nhiên, không có quyết định nào được đưa ra đối với việc phát hành trái phiếu “coronabonds” do Italy đề xuất nhằm hỗ trợ các nền kinh tế trong khu vực trong dài hạn sau khủng hoảng dịch bệnh. Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, một số nước tin rằng đề xuất phát hành nợ chung là công cụ kinh tế hiệu quả nhất. Vấn đề này sẽ được thảo luận thêm.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 7-4, các nước EU không đạt được thỏa thuận sau các cuộc thảo luận căng thẳng do có quan điểm đối lập giữa các nước ở phía bắc và phía nam.

Theo Nhandan