Thứ sáu,  20/09/2024

Pháp thiệt hại 120 tỷ euro trong tám tuần phong tỏa

Cơ quan quan sát tình hình kinh tế Pháp (OFCE) vừa cho biết hai tháng phong tỏa từ 17-3 đến 11-5 làm GDP của Pháp mất đi khoảng 120 tỷ euro, trong đó có 1/3 là thiệt hại của các doanh nghiệp.

Pháp thiệt hại 120 tỷ euro trong tám tuần phong tỏa

Các hộ gia đình ở Pháp giảm tối đa chi tiêu, tăng tiết kiệm.

 

Trong cuộc họp báo ngày 20-4, Giám đốc OFCE Xavier Ragot cho biết, mỗi ngày kể từ ngày 17-3, nền kinh tế Pháp mất đi hai tỷ euro. Đây là mức độ thiệt hại chưa từng thấy cả về quy mô và tốc độ.

Theo kết quả nghiên cứu do OFCE công bố, trong thời gian phong tỏa, tổng sản phẩm quốc nội của Pháp đã giảm 32%, tương đương 5% của cả năm 2020. Gần 60% của mức tổn thất (120 tỷ euro) sẽ được tính thêm vào thâm hụt ngân sách. Còn 35% là thiệt hại của doanh nghiệp, làm tăng lo ngại về khả năng phục hồi sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Một ảnh hưởng khác là các khoản tiết kiệm “bắt buộc” được tích lũy bởi các hộ gia đình trong tám tuần phong tỏa. Dù vẫn có thu nhập thông qua chế độ thất nghiệp tạm thời, các hộ gia đình buộc phải giảm chi tiêu cho các hoạt động cuộc sống như hàng hóa tiêu dùng không phải thực phẩm, giải trí hoặc di chuyển, đồng thời tăng tiết kiệm để phòng ngừa.

Do đó nguồn thu từ các hộ gia đình mất đi khoảng 11 tỷ euro, tương đương 7% trong tổng số thiệt hại của nền kinh tế. Thiệt hại doanh thu của các doanh nghiệp cá thể ở mức khoảng hai tỷ euro. Như vậy, số tiền tiết kiệm tích lũy trong tám tuần phong tỏa lên tới 55 tỷ euro, một khoản tiền có thể có tác động kinh tế vĩ mô lớn nếu chi tiêu khi doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Vì vậy, việc nối lại hoạt động sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hồi phục của sức tiêu dùng và đây là động lực quan trọng để lấy lại sức tăng trưởng. Nếu các khoản tiết kiệm được sử dụng, tổn thất của hoạt động kinh tế trong năm sẽ giảm xuống 2% thay vì 5% và mức tăng thâm hụt công cũng có thể ở mức 0,9% thay vì 2,8% như dự báo.

Các nhà kinh tế của OFCE lập luận rằng “một kế hoạch phục hồi với mục tiêu hợp lý, có thể gắn với các mục tiêu môi trường” để “giảm thiểu chi phí xã hội của cuộc khủng hoảng này” và tránh các tác động suy thoái. Thực tế “có nguy cơ rất lớn khi một vòng xoáy suy thoái bắt đầu diễn ra như: phá sản và giảm việc làm, dẫn đến giảm thu nhập hộ gia đình”. Điều này sẽ làm tăng khả năng giảm hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế.

Đối với các doanh nghiệp, tổn thất do hoạt động ngưng trệ lên tới 42 tỷ euro, một khoản tiền mà họ sẽ bù đắp một phần bằng cách cắt giảm ít nhất một nửa ngân sách đầu tư. Nhà kinh tế Xavier Trimbeau của OFCE nhận định, phần lớn cú sốc khủng hoảng rơi vào các doanh nghiệp. Việc hoãn trả các khoản phí thuế và đóng góp an sinh xã hội, cũng như các khoản vay được chính phủ bảo lãnh hầu như không có tác dụng thực sự đối với các doanh nghiệp. Lý do là vì những khoản tiền này sẽ phải được thanh toán trong ngắn hạn. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước là điều kiện tiên quyết để có được sự phục hồi mạnh mẽ.

Chính phủ đã ước tính rằng GDP của Pháp có thể ở mức -8% trong cả năm 2020 do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng dịch tế do virus corona chủng mới gây ra. Thâm hụt ngân sách có thể lên tới 9% GDP.

Cùng ngày, Bộ trưởng Lao động Pháp Muriel Pénicaud cho biết, tổng số người thất nghiệp tạm thời đã lên tới 9,6 triệu. Đối với khu vực tư nhân, gần một nửa lao động đang hưởng chế độ thất nghiệp. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Muriel Pénicaud khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường hoạt động nếu có thị trường và bảo đảm các biện pháp về an toàn sức khỏe cho người lao động.

Theo Nhandan