Thứ sáu,  20/09/2024

Nước Đức đã vượt qua giai đoạn đầu tiên của dịch Covid-19

Ngày 6-5, Thủ tướng Angela Merkel cho biết, nước Đức đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh dịch, ngăn chặn thành công các chuỗi lây lan. Do vậy, biện pháp hạn chế tiếp tục được nới lỏng đối với các hoạt động kinh doanh.

Nước Đức đã vượt qua giai đoạn đầu tiên của dịch Covid-19

Thủ tướng Đức Angela Merkel: Các bệnh viện ở Đức đã được tổ chức rất tốt, không bị quá tải trong giai đoạn cao điểm của dịch. 

Phát biểu trong cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh và việc nới lỏng thêm các biện pháp phong tỏa cũng như giãn cách xã hội, Thủ tướng Angela Merkel nói: Nhìn chung, chúng tôi đã thành công, vượt qua sự tấn công của bệnh dịch. Giai đoạn đầu của dịch bệnh đã ở phía sau.

Theo bà Angela Merkel, nước Đức đã đạt được mục tiêu hạn chế đà lây lan của virus corona chủng mới. Dù vậy chặng đường phía trước còn dài cho tới khi hết hẳn dịch.

Tính tới ngày 6-5, có 167.575 ca mắc Covid-19 và 7.190 ca tử vong ở Đức. Theo Viện Kiểm soát Dịch bệnh Robert Koch (RKI) của Đức, sự gia tăng của các ca nhiễm mới đã giảm.

Trước đó, Thủ tướng Đức có cuộc họp với lãnh đạo của 16 bang để thảo luận việc nới lỏng các biện pháp ngăn chặn. Chính phủ và các bang đã thống nhất về việc cho phép hai gia đình gặp gỡ thay cho quy định không quá hai người. Còn quy định giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m ở các nơi công cộng cũng như việc đeo khẩu trang sẽ có hiệu lực tới ngày 5-6.

Dù có những diễn biến tích cực trong việc khống chế dịch bệnh, Thủ tướng Đức đề nghị người dân tiếp tục tuân thủ các quy định ngăn ngừa lây nhiễm. Mối đe dọa của dịch bệnh chưa hết và còn nguy cơ lây lan nếu không được giám sát.

Theo sự thống nhất của Chính phủ và các bang, tất cả cửa hàng có thể mở cửa trở lại chứ không bị giới hạn ở diện tích dưới 800 m2 như trước. Các trận đấu của Giải bóng đá vô địch quốc gia Đức (Bundesliga) có thể diễn ra từ giữa tháng 5 nhưng không có khán giả. Còn các hoạt động thể thao ngoài trời khác có thể được tổ chức với điều kiện người tham gia duy trì khoảng cách từ 1,5-2m.

Tất cả học sinh các cấp có thể trở lại trường học từ tuần tới, trừ sinh viên đại học. Các sự kiện công chúng vẫn bị cấm cho tới cuối tháng 8. Chính phủ Đức đang lập kế hoạch để khôi phục hoạt động cho lĩnh vực văn hóa như nhà hát, phòng hòa nhạc và rạp chiếu phim. Vấn đề nới lỏng lệnh đóng cửa biên giới chưa được đề cập tới.

Quyết định nới lỏng biện pháp ngăn chặn này có hiệu lực ngay, tuy nhiên các bang sẽ đưa ra các thông báo cụ thể trong một vài ngày tới, trong đó có thời hạn cũng như biện pháp chống dịch nghiêm ngặt để các nhà hàng và quán cà-phê hoạt động trở lại.

Dù vậy, Thủ tướng Đức cho biết, trình trạng khẩn cấp sẽ được tái lập để tránh xảy ra làn sóng lây lan mới. Theo đó, biện pháp ngăn chặn có thể được phục hồi nếu có hơn 50 trường hợp nhiễm mới trong tổng số 100 nghìn dân tại được xác nhận trong vòng bảy ngày một khu vực nhất định.

Thành công trong việc khống chế đà lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Đức vẫn rất thận trọng, kêu gọi người dân duy trì các biện pháp an toàn. Thủ tướng Angela Merkel nhận định: Cuộc sống chung với virus corona ở Đức sẽ là một thách thức lâu dài.

Các chuyên gia y tế Đức còn lo ngại về khả năng xảy ra đợt lây lan khác trong thời gian tới. Ông Lothar Wieler, Chủ tịch Viện Robert Koch cho rằng có thể sẽ có làn sóng lây lan thứ 2 và 3. Diễn biến hiện nay rất tích cực nhưng số người chết còn cao. Ngày 6-5, Đức ghi nhận thêm 197 ca tử vong và 656 ca nhiễm mới.

Đức là nước triển khai sớm các biện pháp ứng phó dịch bệnh, tiến hành số lượng xét nghiệm cao nhất châu Âu ngay từ khi có dịch. Tổng số xét nghiệm virus corona ở Đức đã lên tới hơn 2 triệu 540 nghìn. Ông Lothar Wieler cho biết, hiện có 132 phòng thí nghiệm tham gia công tác xét nghiệm phát hiện người mắc Covid-19. Hệ thống y tế luôn có các phương án ứng phó trường hợp có nhiều người nhiễm và nhập viện.

Cũng trong ngày 6-5, Ủy ban châu Âu đưa ra dự báo về mức suy giảm GDP rất nghiêm trọng của các nước ở khu vực này trong năm nay. Theo đó, GDP của Đức sẽ giảm 6,5% vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với các nước chung quanh như Pháp, Italy và Tây Ban Nha và tăng 5,9% trong năm 2021. Lý do là vì Đức là nước có thặng dư ngân sách trước khi dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới và không bị ảnh hưởng nặng nề do có nhiều biện pháp ứng phó dịch hiệu quả, sớm khôi phục hoạt động trên một số lĩnh vực.

Theo Nhandan