Thứ bảy,  21/09/2024

Pháp tổ chức bầu cử địa phương vòng 2

Ngày 28-6, cuộc bầu cử địa phương vòng 2 ở Pháp diễn ra sau hơn ba tháng bị hoãn do dịch bệnh. Sau cuộc bầu cử này, đời sống chính trị tại Pháp được dự báo có những thay đổi.

Pháp tổ chức bầu cử địa phương vòng 2

Hơn 16 triệu cử tri, khoảng 39% tổng số cử tri, được kêu gọi đi bầu người đứng đầu khoảng 5 nghìn thành phố, thị trấn, làng, xã trên toàn quốc cho nhiệm kỳ 6 năm tới. Vòng 1 của cuộc bầu cử này đã được tổ chức vào ngày 15-3. Theo nguyên tắc, vòng 2 diễn ra sau một tuần nhưng phải hoãn lại do đại dịch Covid-19. Cử tri sẽ lựa chọn hơn 157 nghìn ứng cử viên để bầu vào các hội đồng địa phương.

Sau vòng 1, có hơn 30 nghìn địa phương đã bầu đủ thành viên cho các hội đồng. Thị trưởng cùng với ủy viên hội đồng ở những nơi này đã nhậm chức từ cuối tháng 5. Trong vòng 2, cử tri cũng sẽ bầu ra các hội đồng cộng đồng của khoảng 1.100 khu đô thị để bắt đầu nhiệm kỳ mới từ ngày 17-7 vì vòng đầu tiên không mang tính quyết định.

Vấn đề đáng quan tâm trong ngày bầu cử hôm này là tỷ lệ cử tri đi bầu vì có tới 55,34% không đi bỏ phiếu trong vòng 1 do dịch bệnh bùng phát. Hiện vẫn có hàng trăm ca nhiễm mới vẫn được ghi nhận mỗi ngày. Vì vậy, Chính phủ Pháp đã nới lỏng các điều chỉnh một số thủ tục hành chính, cho phép ủy quyền đi bầu đồng thời tăng cường các biện pháp chống dịch. Theo đó, cử tri phải giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang và sử dụng nước tẩy trùng khi vào phòng bỏ phiếu.

Trong mấy tuần qua, chiến dịch tranh cử đã diễn ra gay gắt tại những thành phố lớn với nhiều ứng cử viên là các nhân vật có tiếng trong giới lãnh đạo Pháp. Tại Paris, Thị trưởng Anne Hidalgo thuộc đảng Xã hội đang dẫn đầu và có khả năng tái đắc cử. Trong khi đó, những xã nhỏ ở vùng sâu xa hoặc ít dân cử, mức độ cạnh tranh rất thấp vì không có nhiều ứng cử viên.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, một số thành phố như Marseille, Lyon hay Strasbourg có thể có sự thay đổi về đại diện của các đảng phái. Đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) có nguy cơ không vượt qua liên minh cánh tả ở Marseille, Toulouse hay Aix-en-Province.

Đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) của Tổng thống Macron gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Trong tháng 5, một số thành viên của LREM tại Hạ viện đã tách ra và thành lập một nhóm mới khiến đảng này mất đa số phiếu tuyệt đối. LREM được dự báo không có kết quả tốt trong cuộc bầu cử địa phương lần này.

Dư luận Pháp cũng rất quan tâm tới kết quả bỏ phiếu tại thành phố cảng Le Havre thuộc phía bắc, nơi Thủ tướng Edouard Philippe ra tranh cử thị trưởng. Đảng Xanh bảo vệ môi trường (EELV), khẳng định sự đột phá trong cuộc bầu Nghị viện châu Âu vừa qua, có ưu thế tại Lyon, Tours, Toulouse hay Strasbourg.

Đảng Xã hội dù bị suy yếu nhiều từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2017 có thể trụ được ở nhiều địa phương, nhất là tại các thành phố phía Tây như Brest, Rennes, Rouen hay Nantes. Đảng Cộng sản Pháp đã giành thắng lợi tại thành phố Montreuil ở ngoại ô Paris ngay từ vòng 1 nhưng khó vượt qua đảng Xã hội hay đảng cựu hữu Tập hợp Quốc gia (RN) tại một số địa phương vốn có truyền thống thắng cử như Choisy-le-Roi.

Cuộc bầu cử địa phương lần này đánh dấu khoảng cách dài nhất giữa hai vòng bầu cử trong lịch sử chính trị ở Pháp. Vòng 1 đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi phong trào biểu tình chống cải cách lương hưu, rồi tới cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Do đó tỷ lệ đi không bầu cao kỷ lục và có thể tái diễn trong vòng 2 vì người dân Pháp còn bận tâm đến những vấn đề hậu phong tỏa, rồi tới khủng hoảng kinh tế.

Cuộc bầu cử lần này sẽ cho phép các đảng phái duy trì hay tăng quyền hành ở địa phương. Đây cũng là bước chuẩn bị để lập danh sách đại cử tri cho cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 9 tới và cuộc bầu cử các hội đồng vùng dự kiến diễn ra vào tháng 3-2021.

Theo Nhandan