Thứ sáu,  20/09/2024

Số ca mắc Covid-19 toàn cầu vẫn tăng nhanh

Ngày 11-3, theo hãng tin AP, Thủ tướng Angela Merkel cho biết, tình hình đại dịch Covid-19 tại Đức sẽ còn căng thẳng ít nhất cho đến mùa hè tới. Nhiều quốc gia khác cũng vẫn phải duy trì biện pháp nghiêm ngặt để phòng, chống dịch khi số người mắc Covid-19 trên toàn cầu vẫn tăng nhanh. Tính đến 6h sáng ngày 11-3, thế giới đã có 118.945.143 người mắc Covid-19, 2.625.585 ca tử vong.

Bệnh viện tại nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ quá tải do bệnh nhân Covid-19 tiếp tục tăng.

Châu Âu

Ngày 11-3, trong cuộc trò chuyện trực tuyến, Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng kêu gọi sự kiên trì của người dân trong lúc nước này phải tiếp tục các biện pháp siết chặt kiểm soát để ngăn ngừa dịch Covid-19 lan rộng. Nhiều sự kiện dự kiến được tổ chức trong tháng này sẽ bị hủy bỏ, trong đó có chương trình Rock am Ring tại Nuerburgring – một trong những lễ hội âm nhạc lớn nhất ở châu Âu, lễ hội Hurricane tại Scheessel (Đức).

Giám đốc điều hành của Eventim Live, ông Frithjof Pils cho biết, các nhà tổ chức lễ hội đã đầu tư nhiều thời gian và công sức cho công tác vệ sinh dịch tễ để biến các sự kiện trên thành một “mùa hè đoàn tụ”, nhưng tình hình đại dịch và các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế dịch bệnh hiện nay cho thấy, việc tổ chức các lễ hội lớn như vậy là không khả thi. Eventim cũng thông báo những người đã có vé dự các lễ hội mùa hè năm nay sẽ được tạo điều kiện đặt lại trong năm sau.

Tại Bulgaria, số ca nhiễm mới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Bộ Y tế cho biết có thể đóng cửa trường học, trung tâm mua sắm và trung tâm thể thao, nhà hàng nếu cần thiết nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu được đăng tải trên tập san British Medical Jourrnal số ra ngày 10-3, biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh với tên gọi B.1.1.7, có khả năng gây tử vong cao hơn từ 30-100% so với các chủng trước. Nhà nghiên cứu Robert Challen thuộc Đại học Exeter và là một trong số tác giả của nghiên cứu này đánh giá, với khả năng lây lan nhanh và gây tử vong cao hơn, biến chủng B.1.1.7 là một mối đe dọa mà các nước cần phải thận trọng ứng phó.

Ở Tây Ban Nha, Bộ trưởng Du lịch Reyes Maroto cho biết, nước này có thể bắt đầu sử dụng “hộ chiếu vắc xin” vào tháng 5 tới, khi hội chợ du lịch quốc tế FITUR được tổ chức ở thủ đô Madrid.

Séc hiện là quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất trong EU. Nhiều bệnh viện đang đối mặt với nguy cơ thiếu giường bệnh và nhân viên y tế. Ngày 11-3, Thủ tướng Séc Andrej Babis sẽ gặp người đồng cấp Hungary và Israel để thảo luận về hợp tác chống dịch. Trước đó, Séc đã bắt đầu đàm phán với các đối tác Đức, Thụy Sĩ và Ba Lan để chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 trong tình trạng nghiêm trọng sang các nước này điều trị.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Y tế các nước Estonia, Latvia và Litva đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) lập một hệ thống mới nhằm phân phối vắc xin ngừa Covid-19 trong các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dựa trên nhu cầu thay vì theo quy mô dân số. Ngoài ra, các tiêu chí như lượng vắc xin sẵn có, tỷ lệ tiêm phòng, tỷ lệ nhiễm, tỷ lệ tử vong và mức độ lây lan các biến thể mới cần phải được tính đến trong cơ chế phân phối mới.

Kế hoạch trên sẽ thúc đẩy việc phân phối vắc xin đến các nước thành viên đang cần khẩn cấp và cải thiện sự hiệu quả bằng cách phân phối lại các vắc xin chưa dùng đến, trước khi quá hạn sử dụng.

Châu Á

Các hãng hàng không lớn của Nhật Bản đã ngừng việc đặt vé cho các chuyến bay từ những nước ghi nhận sự bùng phát các ca nhiễm biến thể của vi rút SARS-CoV-2. Động thái trên diễn ra sau yêu cầu của Chính phủ hạn chế lượng hành khách đến nước này. Chính phủ Nhật Bản cũng siết chặt việc kiểm soát biên giới, theo đó những người đến từ 13 quốc gia, trong đó có Áo và Italia phải thực hiện các biện pháp kiểm dịch bổ sung. Hiện tại, tình trạng khẩn cấp tại khu vực Tokyo được gia hạn đến ngày 21-3.

Bộ Y tế Philippines đã cảnh báo người dân nước này về chiều hướng gia tăng số ca mắc Covid-19 ở vùng đô thị Manila và nhiều khu vực khác trong những ngày gần đây, đồng thời cho rằng diễn biến hiện nay có thể gây sức ép lên hệ thống bệnh viện nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan. Các thị trưởng của vùng đô thị Manila đang cân nhắc tái áp đặt lệnh giới nghiêm trong khu vực thủ đô. Một số tuyến đường và cộng đồng dân cư thuộc vùng đô thị Manila vẫn đang thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt do phát hiện nhiều ổ dịch mới. Hiện vùng đô thị Manila, nơi có 13 triệu dân sinh sống, vẫn là tâm dịch Covid-19 ở Philippines.

Trong nỗ lực khống chế dịch bệnh, Campuchia đã đóng cửa toàn bộ trường học, các cơ sở thể thao, viện bảo tàng, rạp chiếu phim và các trung tâm giải trí tại nhiều tỉnh, thành, nơi bùng phát dịch bệnh.

Theo Hanoimoi