Thứ sáu,  20/09/2024

Quan hệ Nga – Mỹ: Hy vọng ở cuộc đối thoại mới

Trong một động thái được cho là nhằm giảm nhiệt căng thẳng, Nga và Mỹ vừa phát đi tín hiệu sẽ sắp xếp cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng 6 tới. Đây sẽ là cơ hội để hai bên khởi động một cuộc đối thoại nhằm mang đến sự ổn định chiến lược cho toàn cầu.

Căng thẳng ngoại giao khiến Mỹ áp nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào các thực thể Nga, trong đó có Dự án dòng chảy phương Bắc 2.

Theo trợ lý của Tổng thống Nga Yuri Ushakov, hiện vẫn chưa có quyết định chính thức về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ. Song trước đó, trong cuộc điện đàm song phương, Tổng thống Mỹ J.Biden đã đề xuất ý tưởng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Nga – Mỹ vào mùa hè này tại châu Âu. Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh, Washington không muốn bắt đầu một chu kỳ leo thang và xung đột mới với Mátxcơva, đồng thời bày tỏ hy vọng hai nước có thể thiết lập “một mối quan hệ hiệu quả hơn”.

Kể từ cuộc chính biến năm 2014 dẫn tới việc lật đổ Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych có quan điểm gần gũi với Nga và thay thế bằng chính quyền có đường lối hướng theo phương Tây, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ ngày càng trượt dốc. Hai bên liên tiếp đưa ra những cáo buộc và lệnh trừng phạt vào nhau. Nguyên nhân dẫn tới căng thẳng leo thang gần đây nhất liên quan tới thủ lĩnh đối lập người Nga Alexei Navalny. Hồi tháng 8-2020, ông này bị ngã bệnh trên một chuyến bay ở Siberia (Nga) và được đưa tới Đức chữa trị. Các bác sĩ kết luận ông A.Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cho rằng Novichok là chất kịch độc mà chỉ có các cơ quan tình báo cấp cao của Nga mới có thể sản xuất và sở hữu.

Điện Kremlin phủ nhận các cáo buộc về việc Nga liên quan tới tình trạng sức khỏe của ông Navalny và cho biết không có bằng chứng nào cho thấy nhân vật này bị đầu độc. Nga cũng cáo buộc ông A.Navalny đang tìm cách trốn tránh sự giám sát liên quan đến một bản án mà ông bị tuyên phạt cách đây 7 năm. Trước đó, đầu tháng 2-2021, một tòa án ở thủ đô Mátxcơva đã chấp thuận đề nghị của cơ quan công tố về áp dụng hình thức tù giam đối với ông A.Navalny do ông liên tục không thực hiện yêu cầu đến trình diện trong thời gian thụ án treo.

Trước những diễn biến trên, một số quốc gia như Mỹ, Đức, Pháp, Anh đã lên tiếng chỉ trích vụ bắt giữ ông A.Navalny và kêu gọi Mátxcơva trả tự do cho ông. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc phản ứng của phương Tây là chiến dịch phối hợp toàn cầu nhằm kiềm chế Nga và can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova khẳng định Nga sẽ kiên quyết bảo vệ các lợi ích quốc gia và đáp trả mọi sự gây hấn. Động thái trả đũa gần đây nhất mà Nga tiến hành là trục xuất 10 nhà ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Mátxcơva. Trước đó, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt nhằm vào 30 cá nhân, thực thể của Nga và trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga.

Theo các nhà phân tích, dù quan hệ Nga – Mỹ đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, song cả hai phía vẫn nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ song phương ổn định. Trong một thế giới toàn cầu hóa, Nga, Mỹ hay các nước khác đều có sự ràng buộc nhất định cả về chính trị, an ninh, kinh tế. Những thách thức mới và những biến động khó lường trong đời sống chính trị quốc tế càng khiến các bên, ở một chừng mực nào đó thêm phụ thuộc lẫn nhau. Thực tế trong những năm qua, nhiều vấn đề quốc tế nóng, trong đó có vấn đề hạt nhân Iran, xung đột Trung Đông, căng thẳng tại Ukraine… đều được giải quyết với sự tham gia của cả Nga và Mỹ. Minh chứng rõ nét nhất là việc các quốc gia đang chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 hay những thách thức mang tính toàn cầu. Vì thế, dư luận thế giới tin tưởng, kỳ vọng Nga và Mỹ sẽ gặt hái được những lợi ích chiến lược khi thúc đẩy đối thoại song phương.

Theo Hanoimoi