Ngày 15-5, hàng chục nghìn người ủng hộ Palestine đã xuống đường biểu tình tại các thành phố: New York, Boston, Washington, Dearborn, Las Vegas và Los Angeles của Mỹ. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở các tỉnh, thành phố: Toronto, Montreal, Ontario, Quebec của Canada nhằm kêu gọi chấm dứt những cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Người biểu tình tố cáo “tội ác chiến tranh” của Israel ở Gaza và mang theo các biểu ngữ cáo buộc Israel vi phạm luật pháp quốc tế.

Tại khu vực Bay Ridge, Brooklyn, New York, người biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu “Palestine tự do”. Hàng nghìn người biểu tình vẫy cờ Palestine và cầm các biểu ngữ, băng rôn ghi các dòng chữ “Chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc Israel” và “Tự do cho Gaza”. Nhiều người biểu tình đeo khăn quàng cổ màu đen trắng, hoặc đỏ trắng theo màu cờ Palestine. Đáng chú ý, trong số những người biểu tình có cả những người Do Thái mang theo các tấm biểu ngữ “Không nhân danh tôi” và “Đoàn kết với Palestine”. Các cuộc biểu tình diễn ra khá ôn hòa tại Mỹ và Canada với sự giám sát của cảnh sát.

Biểu tình khắp nơi ủng hộ người dân Palestine
Người biểu tình ở Brooklyn, New York giơ cao các biểu ngữ ủng hộ Palestine. Ảnh: Getty Images 

Trả lời AFP, cô Alison Zambrano, sinh viên 20 tuổi, đến từ bang Connecticut (Mỹ) tham gia tuần hành chia sẻ: “Người Palestine có quyền sống tự do và trẻ em ở Gaza không nên bị sát hại”. Ông Mashhour Ahmad, 73 tuổi, một người Palestine sống ở New York 50 năm, phẫn nộ: “Bạo lực do quân đội Israel gây ra gần đây là tội diệt chủng”. Ông đồng thời giơ tấm áp phích “Tự do cho Palestine, chấm dứt chiếm đóng”.

Còn tại châu Âu, ngày 15-5, biểu tình cũng diễn ra ở các thành phố lớn như: London (Anh), Berlin (Đức), Madrid (Tây Ban Nha) và Paris (Pháp). Hàng chục nghìn người đổ xuống đường tham gia cuộc tuần hành quy mô. Tại London, hàng nghìn người biểu tình đã mang theo biểu ngữ “Dừng ném bom Gaza”. Trong khi đó, tại Madrid diễn ra cuộc tuần hành hướng đến quảng trường Puerta del Sol ở trung tâm thành phố. Họ hô vang: “Đây không phải là một cuộc chiến tranh, mà là một cuộc diệt chủng”. Tại Paris, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine được tổ chức bất chấp lệnh cấm tụ tập do lo ngại tình hình đại dịch Covid-19. Tình huống tương tự xảy ra tại thủ đô Athens của Hy Lạp, khi cảnh sát cũng bắn hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông ủng hộ Palestine. Bạo lực còn bùng phát tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, nơi khoảng 4.000 người tham gia biểu tình. Một nhóm gồm 50-100 người đã ném đá vào cảnh sát và tòa nhà đại sứ quán Israel, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay và dùi cui để khống chế. 3 người bị bắt và đám đông giải tán sau “tình trạng hỗn loạn diện rộng”.

Các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine diễn ra dịp kỷ niệm lần thứ 73 Ngày Nakba, hay còn gọi là “thảm họa”, khiến hàng trăm nghìn người Palestine phải di dời trong thời kỳ Israel thành lập (1947-1948). Tại Israel, đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra khi cộng đồng người Arab thiểu số cùng với người Palestine đã xuống đường biểu tình nhân dịp này. Ngày Nakba được người Palestine kỷ niệm để ghi nhớ ngày lịch sử hàng trăm nghìn người dân phải di dời khỏi quê hương trong cuộc chiến tranh.

Bạo lực tồi tệ nhất giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas của Palestine bắt đầu từ hôm 10-5 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ít nhất 148 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi bạo lực bùng phát, trong đó có 41 trẻ em. Israel báo cáo 10 người chết, trong đó có hai trẻ em. Ước tính đến nay các nhóm vũ trang ở Dải Gaza đã nã khoảng 3.000 quả rocket về phía Israel và Israel đáp trả bằng các cuộc không kích vào Dải Gaza.

Ngày 15-5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ đau buồn trước những thương vong của người dân Palestine ở Gaza và Israel tấn công vào tòa nhà của các hãng thông tấn quốc tế. Phát ngôn viên Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric, cho biết: “Tổng thư ký bị choáng váng trước số lượng thương vong dân sự ngày càng tăng, gồm cái chết của gia đình 10 người, trong đó có trẻ em, do hậu quả cuộc không kích đêm qua của Israel vào trại al-Shati ở Gaza, công khai nhắm mục tiêu vào một lãnh đạo của Hamas”. Ngày 15-5, quân đội Israel đã tấn công san bằng một tòa nhà ở Gaza, là nơi đặt văn phòng của các hãng tin Al Jazeera và AP. Phía Israel cho biết, cuộc không kích nhắm vào mục tiêu “tài sản tình báo quân sự của Hamas” được cho là có trụ sở trong tòa nhà này. May mắn là các nhân viên của hai hãng thông tấn trên đã kịp thời sơ tán trước khi cuộc không kích xảy ra.

Trước diễn biến bạo lực nghiêm trọng ở Dải Gaza, ngày 15-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về bạo lực kéo dài khiến nhiều người thiệt mạng hoặc bị thương. Trong cuộc điện đàm với ông Netanyahu, Tổng thống Mỹ nhắc lại sự ủng hộ đối với quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công tên lửa từ lực lượng Hamas ở Dải Gaza, đồng thời chỉ trích các cuộc tấn công nhằm vào các thị trấn và thành phố của Israel. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Nhà ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Israel-Palestine Hady Amr sẽ có cuộc hội đàm với các lãnh đạo Israel trong ngày 16-5, trước khi gặp quan chức Palestine để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, xem ra các nỗ lực ngoại giao hiện nay vẫn là chưa đủ để ngăn chặn bạo lực ở Gaza. Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục tấn công Dải Gaza cho tới khi đạt được mục tiêu. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến nhóm họp trực tuyến các Bộ trưởng ngoại giao để bàn về tình hình hiện nay ở Trung Đông vào ngày 18-5 tới. Mọi nỗ lực liên quan cần phải khẩn trương và mạnh mẽ hơn nữa, nếu không muốn bạo lực đi quá xa.