Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với mức độ gia tăng của tình trạng mất an ninh lương thực, khi giá lương thực toàn cầu đã tăng 38% kể từ tháng 1-2020. Hai loại ngũ cốc có lượng tiêu thụ lớn là ngô đã có giá tăng cao hơn 66,7% và lúa mì tăng cao hơn 23% so với tháng 1-2020. Tính đến tháng 4-2021, giá lương thực thế giới đã có 11 tháng tăng giá liên tiếp, trong đó mức tăng cao nhất phải kể đến các mặt hàng: Đường, dầu ăn, ngũ cốc. Các chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đạt mức 120,9 điểm trong tháng 4, cao hơn 1,7% so với tháng 3 và cao hơn 30,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này thể hiện những biến động hằng tháng trong giá cả thế giới của các mặt hàng thực phẩm được giao dịch thường xuyên. Qua đó có thể thấy, giá lương thực thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Nguy cơ hiện hữu của một cuộc khủng hoảng lương thực
Châu Phi là khu vực người dân thường xuyên bị nạn đói đe dọa.  Ảnh: Getty Images 

Theo thống kê của Liên hợp quốc, năm 2019 có 135 triệu người ở 55 quốc gia phải chung sống với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng hoặc tình trạng nhân đạo khẩn cấp. Năm 2020, có thêm khoảng 20 triệu người trở thành nạn nhân của khủng hoảng lương thực do xung đột vũ trang, dịch Covid-19 và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Con số này trong năm 2021 được dự đoán sẽ còn cao hơn nhiều (265 triệu người), trong bối cảnh các cuộc xung đột gia tăng và các biện pháp phòng dịch Covid-19 làm trầm trọng thêm vấn đề khủng hoảng lương thực.

Trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực, không thể không kể đến tình trạng biến đổi khí hậu, giá dầu thế giới tăng cao và tác động sâu rộng của dịch Covid-19. Nửa đầu năm 2021, nhiều nơi trên thế giới đã phải trải qua những trạng thái thời tiết khắc nghiệt bất thường. Biến đổi khí hậu đã góp phần tạo thêm các cơn bão và hình thái thời tiết cực đoan ở nhiều khu vực trên thế giới, như mưa lớn ở Đông Nam Á, thời tiết khô hạn tại Nam Mỹ, băng giá ở châu Âu… Từ đó ảnh hưởng lớn đến thời gian gieo trồng và năng suất các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt.

Tính đến tháng 5-2021, giá nhiên liệu thế giới đã có nhiều đợt biến động tăng. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc và một số nước châu Âu đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Điều này củng cố thêm kỳ vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong đó có dầu thô. Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu được dự đoán còn tăng mạnh thời gian tới, khi các nước bước vào cao điểm mùa nắng nóng. Ngoài ra, đồng USD tiếp tục mất giá cũng là tác nhân hỗ trợ giá dầu treo ở mức cao. Giá nhiên liệu cao làm tăng chi phí vận chuyển và tác động dây chuyền đến giá cả hàng hóa.

Đặc biệt, tác động của dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu gia tăng nghiêm trọng và lan rộng, ảnh hưởng đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở hầu hết các quốc gia, với hậu quả nặng nề của nó dự kiến còn kéo dài đến năm 2022. Dịch Covid-19 gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng; làm hàng triệu người lao động trên thế giới giảm thu nhập do mất việc làm. Dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải “bế quan tỏa cảng”, làm sụt giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ phía các nhà hàng và người tiêu dùng, nông dân là đối tượng trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Dịch bệnh cũng làm cho người lao động không thể di cư sang các nước khác vào mùa thu hoạch, đẩy chi phí sản xuất ở những nước ít nhân công tăng cao, dẫn đến giá thành các sản phẩm nông nghiệp cũng tăng theo.

Tuyên bố chung của Liên minh châu Âu (EU), FAO, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) nêu rõ, dịch Covid-19 đã cho thấy hệ thống lương thực toàn cầu rất dễ bị tổn thương và cần phải có hệ thống bền vững, công bằng hơn. Đứng trước thách thức quy mô toàn cầu, các quốc gia phải hợp sức cùng hành động, cùng nhau đề ra những chính sách đúng đắn, mạnh mẽ và quyết liệt thì thế giới mới có thể tránh được kịch bản tồi tệ của cuộc khủng hoảng lương thực vốn có thể đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người.