Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), vốn FDI ở châu Phi đạt mức 40 tỷ USD trong năm ngoái, giảm 16% so với con số 47 tỷ USD của năm trước đó. UNCTAD chỉ ra rằng các thách thức về kinh tế và sức khỏe mà đại dịch gây ra, kết hợp với giá năng lượng thấp là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này.

Tác động này ở các khu vực của châu Phi cũng khác nhau. Đơn cử, dòng vốn FDI vào Bắc Phi giảm 25%, Tây Phi giảm 18% hay châu Phi Hạ Sahara giảm 12%. Trung Phi là khu vực duy nhất của châu Phi chứng kiến mức tăng thu hút vốn FDI từ 8,9 tỷ USD trong năm 2019 lên 9,2 tỷ USD trong năm 2020. Xét về các quốc gia, Ai Cập là nước nhận FDI lớn nhất ở châu Phi, với 5,9 tỷ USD vào năm 2020, dù mức này đã giảm tới 35% so với năm 2019.

Dịch bệnh khiến châu Phi thất thu vốn FDI
Các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại châu Phi thường thu hút nhiều vốn FDI. Ảnh: Daily Times Nigeria

Cũng theo báo cáo, tại châu Phi, những thông báo về các dự án đầu tư xanh mới, được coi là thước đo tâm lý của nhà đầu tư và xu hướng FDI trong tương lai, đã giảm 62% xuống còn 29 tỷ USD; trong khi các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới giảm 45%, từ 5,8 tỷ USD vào năm 2019 xuống 3,2 tỷ USD vào năm ngoái. Ngoài ra, giá trị các thỏa thuận tài chính cho những dự án quốc tế, đặc biệt liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn, cũng chứng kiến mức giảm tới 74% xuống còn 32 tỷ USD.

UNCTAD dự báo FDI vào châu Phi sẽ chỉ tăng 5% vào năm 2021, thấp hơn tốc độ tăng trưởng dự kiến của cả nhóm các quốc gia đang phát triển và toàn cầu (10-15%). Tuy nhiên, triển vọng này vẫn không chắc chắn và còn tùy thuộc vào diễn biến của cuộc khủng hoảng Covid-19 và hiệu quả của các biện pháp can thiệp nhằm giảm nhẹ tác động kinh tế-xã hội do đại dịch.