Sự trỗi dậy của IS tại một số địa bàn, bao gồm châu Phi và cả Iraq, Syria-nơi Mỹ từng tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống IS, đang đặt ra những thách thức không nhỏ với liên minh do Mỹ dẫn đầu này. Hội nghị mới đây của Liên minh toàn cầu chống IS diễn ra tại Roma (Italy) cho biết, mối đe dọa từ IS tại những địa bàn này vẫn hiện hữu. Thậm chí tại châu Phi, các chi nhánh và mạng lưới của IS ở phía nam sa mạc Sahara đang đe dọa an ninh và ổn định, đặc biệt ở khu vực Sahel và ở Đông Phi (Mozambique).

Liên minh toàn cầu chống IS ghi nhận một số tế bào khủng bố hình thành và mở rộng ở các khu vực như Sahel, nơi có các tuyến đường di cư chính, các tuyến đường của những người đến châu Âu. IS tiếp tục duy trì hoạt động cũng như có khả năng xây dựng lại mạng lưới, nhằm chống các lực lượng an ninh và dân thường ở nhiều khu vực thuộc Iraq và Syria. Tại hai quốc gia này, IS được cho là không còn hoạt động nhưng các chuyên gia chống khủng bố vẫn kêu gọi cần có sự cảnh giác cao độ và phối hợp hành động chặt chẽ.

Theo ông Jason Warner, Trưởng nhóm nghiên cứu về châu Phi tại Trung tâm chống khủng bố West Point, sự hiện diện của IS ở châu Phi là rõ ràng và ngày càng tăng lên, ngay cả khi quyền lực của IS ở trung tâm suy yếu. Ông cho rằng, số lượng lớn các tỉnh và chi nhánh của IS ở châu Phi với quyền lực rõ ràng ở địa phương đã tạo ra một mối đe dọa từ IS, thậm chí còn khó đối phó hơn những gì từng thấy trong quá khứ.

Chống khủng bố ở châu Phi - "muộn còn hơn không”
Các thành viên của Liên minh toàn cầu chống IS lần đầu tiên nhóm họp ở Roma sau hai năm. Ảnh: Getty

 

Thực trạng này nếu không được kiểm soát, thành tựu chống khủng bố của Mỹ và các nước trong liên minh có thể bị đe dọa. Mỹ khởi xướng Liên minh toàn cầu chống IS vào năm 2014 (hiện gồm 83 thành viên) nhằm đánh bại IS sau khi các thành viên của tổ chức này giành quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn trên khắp miền Bắc Syria và Iraq. Năm 2019, liên minh tuyên bố các tay súng IS đã bị loại bỏ khỏi vùng lãnh thổ cuối cùng. Tuy nhiên, bất chấp sức ép mạnh mẽ từ quân đội Mỹ và các thành viên của liên minh, các quan chức chống khủng bố phương Tây cảnh báo IS đã tìm mọi cách không chỉ để tồn tại mà còn lan rộng, ngày càng tập trung tuyên truyền chiến thuật của IS trong khai thác các chi nhánh tại châu Phi.

Hiện nay Italy, với sự hỗ trợ của Mỹ và nhiều đối tác, đã đề xuất thành lập một lực lượng đặc nhiệm tại châu Phi nhằm nhận diện, ngăn chặn các mối đe dọa khủng bố liên quan đến IS trên lục địa đen thông qua các biện pháp có sự phối hợp với các đối tác địa phương. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của lực lượng này không được tiết lộ. Bộ trưởng Ngoại giao Italy Luigi Di Maio nhấn mạnh cần có cách tiếp cận toàn diện, trong đó xem xét các yếu tố như biến đổi khí hậu và nghèo đói có thể khiến một số người theo chủ nghĩa cực đoan. Liên minh toàn cầu chống IS cũng đã đạt được nhận thức chung đó là cần giải quyết các nguyên nhân khiến cộng đồng dễ bị IS và các nhóm có tư tưởng bạo lực tuyển lựa thành viên, cũng như hỗ trợ các khu vực đã giải phóng để bảo vệ lợi ích an ninh tập thể.

Theo bà Emily Estelle, nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, lực lượng đặc nhiệm được đề xuất nên tập trung nỗ lực vào việc hỗ trợ thành công quân sự với thành công trong quản trị, bởi đây là lỗ hổng cho phép IS và các nhóm khác tiếp tục quay trở lại sau những tổn thất quân sự.

Tuy nhiên, vấn đề là liệu liên minh có thể tập hợp được bao nhiêu lực lượng tham gia cuộc chiến chống khủng bố không hồi kết trên khắp châu Phi. Trong tháng 7, Pháp tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động chống khủng bố ở Sahel và quân đội Mỹ vẫn đang trong quá trình xem xét điều chỉnh số lượng binh sĩ tại châu Phi. Các giới chức quân sự Mỹ cho rằng, việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Somalia theo lệnh của cựu Tổng thống Donald Trump khiến hình thành các phức tạp và rủi ro mới. Báo cáo từ Tổng thanh tra Lầu Năm Góc đưa ra hồi cuối năm ngoái cũng cảnh báo mối đe dọa khủng bố trên khắp châu Phi đang mở rộng, bất chấp các nỗ lực ngăn chặn từ Mỹ.