OPEC+ đã phải hoãn đàm phán vô thời hạn do không đạt được đồng thuận. (Ảnh: Reuters)

Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,79 USD (2,4%) xuống 73,37 USD/thùng sau khi đạt 76,98 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.

Giá dầu thô Brent giảm 2,63 USD (3,4%) xuống 74,53 USD/thùng sau khi đạt 77,84 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Thị trường dầu thô biến động mạnh trong các phiên giao dịch vừa qua chủ yếu do thông tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác (OPEC+) hoãn cuộc họp chính sách vô thời hạn do không đạt được thỏa thuận về sản lượng dầu mỏ trong thời gian tới.

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch sáng nay cũng được cho là do thị trường ghi nhận dữ liệu kinh tế tiêu cực từ châu Âu và cảnh báo mới về diễn biến của tình hình dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 5/7, các Bộ trưởng dầu mỏ OPEC+ đã hoãn đàm phán vô thời hạn sau khi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bác bỏ việc gia hạn thêm 8 tháng thỏa thuận cắt giảm sản lượng, theo đó các bên không nhất trí được về một thỏa thuận tăng sản lượng.

Ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng hợp đồng năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho cho biết, thị trường lo ngại UAE sẽ đơn phương tăng nguồn cung và khi đó, một số nước khác trong OPEC sẽ theo bước UAE.

Các cuộc thảo luận của OPEC+ bắt đầu hồi tuần trước nhằm đưa ra chính sách sản lượng trong thời gian còn lại của năm. Ngày 2/7 vừa qua, OPEC+ đã bỏ phiếu về một đề xuất sẽ bơm thêm 400.000 thùng/ngày vào thị trường mỗi tháng từ tháng 8 đến tháng 12, dẫn đến việc tăng thêm 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay. Các thành viên cũng đề xuất gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, UAE đã từ chối những đề xuất này. Sau 2 ngày đàm phán gay gắt, các Bộ trưởng đã tạm dừng các cuộc đàm phán vô thời hạn.

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng.

Nói về việc từ chối tham gia thỏa thuận, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE, Suhail Al-Mazrouei ngày 4/7 cho biết: “UAE chấp nhận tăng sản lượng vô điều kiện mà thị trường yêu cầu. Tuy nhiên, quyết định gia hạn thỏa thuận đến cuối năm 2022 là không cần thiết phải thực hiện ngay bây giờ. Vẫn còn 8 đến 9 tháng trong thỏa thuận này và chúng tôi cho rằng còn rất nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề này ở giai đoạn sau”.

Ông Suhail Al-Mazrouei cho hay: “Đối với chúng tôi, đó không phải là thỏa thuận tốt”. Ông Suhail Al Mazrouei nhấn mạnh rằng UAE sẽ ủng hộ việc tăng nguồn cung trong ngắn hạn, nhưng muốn có các điều khoản tốt hơn nếu chính sách được gia hạn đến năm 2022.

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, việc OPEC+ hủy đàm phán tạo ra sự không chắc chắn về triển vọng sản xuất của khối này. Cùng với đó, việc nhóm này không đạt được thỏa thuận khiến giá dầu biến động mạnh và khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đã bắt đầu mở cửa trở lại sau đại dịch./.