Thứ sáu,  05/07/2024

Tình hình Afghanistan: Hành động của các nước

Nhiều nước châu Âu thông báo tổ chức các cuộc họp an ninh khẩn cấp nhằm bàn về các biện pháp ứng phó với diễn biến của cuộc khủng hoảng tại Afghanistan, sau khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul và chuẩn bị nắm giữ quyền lực tại quốc gia này.

Ngay trong sáng 16/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng Quốc phòng để thảo luận về tình hình tại Afghanistan.
Ngày 15/8, Phủ Tổng thống Pháp cho biết, ngay trong sáng 16/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng Quốc phòng để thảo luận về tình hình tại Afghanistan và 20h cùng ngày (theo giờ địa phương), ông Macron sẽ có bài phát biểu trên truyền hình, gửi đi thông điệp của nước Pháp về các diễn biến mới nhất tại Afghanistan.

Phủ Tổng thống Pháp cũng cho biết, ngay trong ngày 16/8, quân đội Pháp sẽ gửi lực lượng tăng cường đến căn cứ quân sự ở UAE nhằm tiến hành các chiến dịch sơ tán công dân Pháp cũng như các nhân viên Afghanistan làm việc cho Pháp từ thủ đô Kabul về thủ đô Abu Dhabi của UAE.

Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiêm nhiệm Afghanistan xác nhận, cho đến thời điểm này chưa ghi nhận còn công dân Việt Nam tại Afghanistan.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan kiêm nhiệm Afghanistan đã chủ động triển khai công tác bảo hộ công dân.

Trước đó, chiều tối 15/8, Bộ Ngoại giao Pháp phát thông tin cho biết, Pháp đóng cửa Đại sứ quán nước này tại thủ đô Kabul và tạm thời chuyển Đại sứ quán Pháp tại Afghanistan về sân bay quốc tế Kabul. Nhà chức trách Pháp khẳng định vẫn đang giữ liên lạc được với tất cả các công dân Pháp, khoảng dưới 100 người, hiện vẫn đang ở Afghanistan.

Trong lúc đó, tại Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã chủ trì phiên họp khẩn cấp của Hội đồng xử lý khủng hoảng liên bộ để bàn về tình hình Afghanistan. Kết thúc cuộc họp, Chính phủ Anh đã ra lời kêu gọi NATO cũng như Liên Hợp Quốc tổ chức các phiên họp khẩn cấp để bàn về cách ứng phó với tình hình mới tại quốc gia Nam Á.

Ngay trong tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng sẽ triệu tập các nghị sĩ Anh đang trong kỳ nghỉ để tiến hành một phiên họp đặc biệt, thảo luận về tình hình Afghanistan. Ông Boris Johnson cũng cam kết sẽ can thiệp để nhiều sinh viên Afghanistan nhận được visa đến Anh trong thời gian sớm nhất.

Ngoài Pháp và Anh, nhiều nước châu Âu khác cũng đang hành động khẩn cấp trước chính biến tại Afghanistan. Ngày 15/8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo, nước Đức quyết định đóng cửa Đại sứ quán Đức tại Kabul, đồng thời quân đội Đức cũng sẽ điều máy bay đến Kabul ngay trong đêm 15/8 để bắt đầu di tản công dân từ sáng 16/8.

Ngày 15/8, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Afghanistan đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, trong bối cảnh Taliban sẵn sàng nắm quyền ở ngoại ô thủ đô Kabul.

Một quan chức NATO nói: “Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của Afghanistan nhằm tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này, đây là điều cấp bách hơn bao giờ hết”.

Ngoài ra, quan chức trên cũng nhấn mạnh, NATO đang duy trì sự hiện diện ngoại giao của khối này ở Kabul và giúp duy trì hoạt động của sân bay thành phố này. Quan chức này nói: “NATO liên tục đánh giá các diễn biến ở Afghanistan. An ninh của nhân viên NATO có ý nghĩa lớn nhất”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một tuyên bố trước khi Taliban tiến vào Kabul: “Thêm một năm, hoặc 5 năm nữa, sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ không tạo ra sự khác biệt nếu quân đội Afghanistan không thể hoặc sẽ không nắm giữ đất nước của mình. Và sự hiện diện của người Mỹ giữa cuộc xung đột dân sự của một quốc gia khác không thể chấp nhận được đối với tôi”.

Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Washington khó có thể thay đổi chiến lược quân sự của mình ở Kabul trừ khi Taliban tác động đến hoạt động sơ tán nhân viên của đại sứ quán Mỹ.

Theo quan chức trên, Mỹ chưa thấy Taliban tiến vào Kabul một cách chính thức.

Quan chức Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov cho biết Nga đang làm việc với các nước khác để tổ chức cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Afghanistan.

Nga là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cùng với Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc.

Ông Kabulov cũng cho biết Moscow chưa có kế hoạch sơ tán đại sứ quán của mình ở Kabul. Bộ Ngoại giao Nga sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình tại Kabul và duy trì liên lạc với đại sứ quán.

Hãng thông tấn quốc gia Nga RIA dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao nước này khẳng định Moscow vẫn chưa công nhận lực lượng phiến quân Taliban là chính quyền hợp pháp mới của Afghanistan.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Afghanistan và Seoul đang “xem xét một số phương án”.

Bộ trên từ chối xác nhận liệu việc sơ tán các nhà ngoại giao có phải là một trong những lựa chọn đang được xem xét hay không, nhưng đại sứ quán được cho là sẽ rút khỏi Afghanistan nếu tình hình xấu đi.

Taliban tuyên bố kết thúc chiến tranh

Lực lượng Taliban cho biết sẽ sớm công bố cách thức điều hành và hình mẫu chế độ cầm quyền ở Afghanistan. Trước đó, người đứng đầu Hội đồng hòa giải quốc gia tối cao Afghanistan xác nhận, Tổng thống Ashraf Ghani đã từ chức và rời đất nước, không lâu sau khi Taliban tiến sát thủ đô Kabul.

Trong thông báo đưa ra trên trang Facebook, Tổng thống Ghani cho biết, nếu ông ở lại, Afghanistan “sẽ có nhiều thương vong và thủ đô Kabul sẽ bị phá hủy”. Ông Ghani thừa nhận: “Taliban đã giành chiến thắng và giờ lực lượng này có trách nhiệm bảo vệ tài sản và người dân Afghanistan”.

Theo Baochinhphu