Thứ sáu,  20/09/2024

Ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan

Nhiều người chen chúc tại sân bay ở thủ đô Kabul của Afghanistan, ngày 16/8. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Reuters và TTXVN ngày 18/8 đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson có cuộc điện đàm về tình hình an ninh ở Afghanistan, trong đó hai bên nhấn mạnh sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan.

Nhà trắng thông báo, Tổng thống Biden sẽ sử dụng 500 triệu USD từ quỹ khẩn cấp liên bang để giúp tái định cư hàng nghìn người tị nạn Afghanistan. Trong khi đó, Anh quyết định hỗ trợ tái định cư cho 5.000 người Afghanistan và dự kiến nâng con số này lên 20.000 người trong dài hạn.

Thủ tướng Ðức Angela Merkel đã thảo luận về tình hình Afghanistan với các nhà lãnh đạo Pháp, Anh, Italia và Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR). Ðức tạm ngừng viện trợ Afghanistan và sẽ phối hợp các đối tác nhằm viện trợ các nước láng giềng phải đối mặt dòng người di cư từ Afghanistan. Berlin muốn đàm phán trực tiếp với Taliban về việc sơ tán nhân viên người Afghanistan tới Ðức. Trong khi đó, Uganda thông báo tạm thời tiếp nhận 2.000 người tị nạn Afghanistan, Bắc Macedonia đồng ý tiếp nhận 450 người.

Albania và Kosovo cũng đã chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc cung cấp nơi ở cho người tị nạn Afghanistan.

Phát biểu tại họp báo sau cuộc gặp trực tuyến với các bộ trưởng ngoại giao các nước Liên hiệp châu Âu (EU) về tình hình Afghanistan, Ðại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell tuyên bố, EU sẽ phải thảo luận với Taliban càng sớm càng tốt, nhằm tránh xảy ra một thảm họa nhân đạo và di cư. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi Taliban tạo điều kiện cho tất cả những người muốn rời Afghanistan, cho biết NATO nhất trí điều thêm máy bay đến Kabul để phục vụ công tác sơ tán. Theo thông báo của LHQ, Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ triệu tập một cuộc họp theo đề nghị của Pakistan và gần 90 quốc gia, nhằm thảo luận các mối lo ngại về nhân quyền tại Afghanistan. UNHCR kêu gọi các nước không trục xuất công dân Afghanistan. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tiếp tục chuyển viện trợ tới phần lớn các khu vực của Afghanistan, đồng thời tổ chức các cuộc họp ban đầu với các đại diện của Taliban.

Trong khi đó, Mỹ cho biết, khoảng 600 thành viên các lực lượng an ninh Afghanistan đã hỗ trợ bảo đảm an ninh tại sân bay Kabul trong bối cảnh hoạt động sơ tán đang rất hỗn loạn. Tính đến sáng 18/8, có thêm 1.000 binh sĩ Mỹ được tăng cường đến sân bay Kabul, nâng tổng số lên 4.000 người, nhằm bảo đảm mỗi giờ có một chuyến bay cất cánh. Theo giới chức quân sự Mỹ, có từ 5.000 đến 10.000 công dân Mỹ được cho là đang ở khu vực Kabul. Các quan chức Lầu năm góc cho biết, trong những ngày tới sẽ có khoảng 6.000 lính Mỹ có mặt tại sân bay Kabul, và các binh sĩ Mỹ sẽ không gặp cản trở hay các cuộc tiến công từ lực lượng Taliban.

Trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi giành chính quyền tại Afghanistan, người phát ngôn lực lượng Taliban đã đưa ra nhiều cam kết cho đất nước Afghanistan. Theo đó, Taliban cam kết sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ phù hợp luật Hồi giáo; ân xá cho các cựu binh sĩ và quan chức chính quyền cũ; không truy cứu trách nhiệm các nhà thầu, phiên dịch làm việc cho các lực lượng quốc tế… Phản ứng trước những cam kết của Taliban, người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric tuyên bố, LHQ cần thấy được hành động trên thực tế của lực lượng này tại Afghanistan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price kêu gọi Taliban tuân thủ các cam kết đã đưa ra, trong đó có cam kết tôn trọng quyền công dân.

Theo Nhandan