Thứ sáu,  20/09/2024

Nỗ lực tìm kiếm “hiệp ước đại dịch”

Từ ngày 29-11 đến 1-12, tại Geneva (Thụy Sĩ), Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA)-cơ quan nắm quyền ra quyết định tối cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức phiên họp đặc biệt để xem xét việc xây dựng một “hiệp ước đại dịch”.

Theo AFP, phiên họp đặc biệt này sẽ thảo luận về một hiệp ước toàn cầu, trong đó đề ra cách chuẩn bị và ứng phó với những cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, hiệp ước cần đặt ra các nguyên tắc mang tính cam kết cao nhằm tăng cường sự đoàn kết, công bằng và vì sức khỏe cộng đồng. Bảo đảm quyền tiếp cận công bằng với vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị cũng là một vấn đề quan trọng trong việc xây dựng hiệp ước.

Phiên họp đặc biệt kéo dài 3 ngày của WHO diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 sau gần hai năm ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên và sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Đây là phiên họp đặc biệt lần thứ hai trong lịch sử của WHO. Theo thông lệ, WHA thường họp vào tháng 5 hằng năm.

Nỗ lực tìm kiếm “hiệp ước đại dịch”
Tiếp cận vaccine công bằng sẽ giúp thế giới ngăn chặn Covid-19 hiệu quả hơn. Ảnh: Reuters. 

Trước đó, các quốc gia thành viên WHO ngày 28-11 đã đạt được đồng thuận khởi động tiến trình đàm phán nhằm đi đến một “hiệp ước đại dịch”. Theo đó, các quốc gia đã nhất trí thành lập một cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB) chịu trách nhiệm soạn thảo và đàm phán về một hiệp ước của WHO hay một dạng quy ước khác về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Cơ quan này dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên trước ngày 1-3-2022 để bầu ra 2 đồng chủ tịch và 4 phó chủ tịch. Sau đó, INB sẽ bắt đầu xác định các yếu tố cơ bản trong quy ước quốc tế này, trong đó bao gồm các vấn đề như: Chia sẻ dữ liệu, giải trình tự gene về các virus mới, cũng như bất kỳ vaccine và thuốc tiềm năng nào. INB sẽ trình báo cáo tiến độ việc đàm phán và soạn thảo tại cuộc họp thường niên của WHA vào năm 2023 và trình kết quả cuối cùng về việc ban hành một hiệp ước hay một công cụ khác để xem xét tại cuộc họp thường niên WHA vào năm 2024. Trong một tuyên bố, Phái đoàn ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) tại Geneva cho biết, diễn biến tình hình dịch bệnh cho thấy nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết về sự đoàn kết toàn cầu.

Covid-19 đã tấn công mạnh vào nền kinh tế toàn cầu và cướp đi hàng triệu sinh mạng. Trước tình hình này, ngày càng có nhiều lời kêu gọi trên thế giới về việc thiết lập các hệ thống phòng ngừa quốc tế mới đủ mạnh để ngăn chặn đại dịch tương tự trong tương lai. “Chúng ta sẽ chứng kiến thêm đại dịch trong tương lai. Chỉ còn là vấn đề thời gian”, ông Jaouad Mahjour, trợ lý Tổng giám đốc WHO phụ trách công tác chuẩn bị khẩn cấp, phát biểu với phóng viên.

Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus thường đề cập đến khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo trong việc tiếp cận vaccine, xét nghiệm, điều trị và các trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, ông mong muốn đạt được một hiệp ước cụ thể để không phải lặp lại chu kỳ đáng tiếc của “lơ là và hoảng sợ” từng thấy tại nhiều quốc gia như thời điểm virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện. “Những hỗn loạn liên quan đến Covid-19 đang diễn ra cho thấy thế giới cần một thỏa thuận toàn cầu vững chắc để đề ra quy tắc cho việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch”, ông Ghebreyesus phát biểu trong ngày 27-11 vừa qua. Theo AFP, cho đến nay, có hơn 70 quốc gia ủng hộ việc xây dựng hiệp ước trên. Các nước này cho rằng hiệp ước chính là đề xuất quan trọng duy nhất có thể bảo đảm về cách ứng phó toàn cầu chung, nhanh chóng, hiệu quả và công bằng đối với các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.

Việc đạt được “hiệp ước đại dịch” có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thế giới nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai. Trên thực tế, các đợt bùng phát dịch bệnh thường bắt đầu mà không có cảnh báo. Do đó, sự chuẩn bị và sẵn sàng của các quốc gia là điều cần thiết để có những phản ứng nhanh chóng.

Theo Quandoinhandan