Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Granholm nhấn mạnh, Washington không kiểm soát giá dầu mà chỉ nhằm tăng nguồn cung trong ngắn hạn và mục tiêu dài hạn của chính phủ là đầu tư vào năng lượng sạch. Nhờ đó, Mỹ sẽ không phải phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không ổn định.

Tuyên bố của bà Granholm được đưa ra chỉ một tuần sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch xuất 50 triệu thùng dầu từ SPR để hạ nhiệt thị trường năng lượng. Phát biểu ngày 23-11, Tổng thống Biden nêu rõ, theo kế hoạch, khoảng 32 triệu thùng sẽ được cấp cho các công ty dầu mỏ dưới dạng khoản vay và những công ty này sẽ hoàn trả lại chính phủ trong tương lai. Số còn lại sẽ được ủy quyền bán theo một đạo luật được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Mỹ coi mở kho dầu dự trữ chiến lược là giải pháp ngắn hạn
 Các kho dự trữ dầu của Mỹ. Ảnh: Pbs.org

Theo trang oilprice.com, Bộ Năng lượng Mỹ hiện đang vận hành 4 kho chứa dưới lòng đất ở bang Texas và Louisiana (mỗi bang 2 kho). Mỗi địa điểm gồm nhiều hang nhân tạo dưới mặt đất. Mỗi hang có thể nằm sâu 1.000m và có khả năng chứa từ 6 đến 37 triệu thùng dầu. Tổng cộng, Mỹ hiện dự trữ khoảng 606 triệu thùng, mức ít nhất kể từ năm 2003 vì Bộ Năng lượng đã bán bớt dầu dự trữ theo một chương trình do chính phủ ủy quyền.

Ngoài quyết định xuất 50 triệu thùng dầu từ SPR trong tháng 12 này, Tổng thống Biden cũng đề nghị Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản mở kho dự trữ dầu. Ngay sau đó, Ấn Độ thông báo, nước này có kế hoạch xuất 5 triệu thùng dầu, trong khi Nhật Bản khẳng định sẽ xuất “vài trăm nghìn kilôlít” dầu từ kho dự trữ quốc gia của mình. Trung Quốc và Hàn Quốc chưa cung cấp bất kỳ chi tiết nào về kế hoạch của mình.

Quyết định khai thác SPR được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Biden đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc ngăn giá nhiên liệu tăng. Quyết định này cũng đánh dấu lần đầu tiên trong hai thập kỷ một tổng thống Mỹ chọn sử dụng nguồn dự trữ này để điều chỉnh giá năng lượng thay vì giải quyết sự gián đoạn nguồn cung. Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra khá thận trọng về quyết định này cùng những tác động tiềm năng của nó. Theo giới quan sát, quyết định của Tổng thống Biden có thể làm tăng thêm rủi ro mới đối với các nhà giao dịch dầu mỏ-những người đang tìm cách theo dõi các quyết định chính sách của chính phủ có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường.

Đối với ngành công nghiệp dầu mỏ, các doanh nghiệp cũng có thể coi quyết định trên là tín hiệu cho thấy chính phủ các nước tiêu thụ xem mức giá khoảng 80USD/thùng là mức trần cho thị trường. Điều đó có thể ảnh hưởng đến đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, vì lợi nhuận tiềm năng từ đầu tư vào ngành dầu mỏ trong tương lai sẽ bị giới hạn. Ông Benjamin Salisbury, nhà phân tích chính sách năng lượng tại Công ty tư vấn tài chính Height Capital Markets đánh giá, quyết định của Tổng thống Biden sẽ “mở cửa” cho những rủi ro mới cho thị trường.

Dự kiến, ngày 2-12, Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (hay còn gọi là OPEC+) sẽ nhóm họp để thảo luận về chính sách của nhóm. Nhiều khả năng nhóm này sẽ không thay đổi chiến lược bơm thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 12 này. Trước đó, nhóm này đã chật vật để đạt được các mục tiêu hiện có theo thỏa thuận nhằm tăng dần sản lượng. OPEC+ vẫn lo ngại sự bùng phát trở lại số ca nhiễm Covid-19 một lần nữa có thể làm giảm nhu cầu năng lượng. Khi đó, thị trường sẽ lại dư dôi nguồn cung thay vì thiếu hụt. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay, tuy họ không can thiệp để tác động đến giá cả nhưng một số nhà sản xuất đã hạn chế nguồn cung quá mức. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng, các quốc gia thuộc OPEC+ cần có những động thái cụ thể để hạ nhiệt giá dầu.