Tổ chức này nhấn mạnh việc tăng cường khả năng tiếp cận trường học cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng chống lại hành vi ép buộc, dụ dỗ trẻ em làm binh lính tại các khu vực xung đột.

Năm 2020, Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nhóm phiến quân vẫn hoành hành ở nhiều nước, như: Afghanistan, Congo, Nigeria và Yemen. Theo số liệu của LHQ, trong năm 2020, có hơn 8.500 trẻ em bị các nhóm phiến quân tuyển mộ và sử dụng làm binh lính. Trong số đó, trẻ em gái chiếm 15%.

Nhức nhối vấn nạn tuyển mộ trẻ em làm binh lính
  Hai trẻ em từng bị lực lượng Houthi ở Yemen bắt ép làm binh lính. Ảnh: AP

Các em thường được sử dụng làm gián điệp hoặc làm đối tượng đánh bom liều chết. Trong khi đó, Tổ chức Cứu trợ trẻ em nêu rõ, trong năm 2020, có gần 200 triệu trẻ sống tại các khu vực xung đột ác liệt nhất thế giới. Con số này tăng khoảng 20% so với năm 2019.

“Bất chấp đại dịch Covid-19 và lời kêu gọi của LHQ về một lệnh ngừng bắn toàn cầu, nhiều trẻ em bị mắc kẹt trong những khu vực xung đột. Các em đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyển mộ, bị thương hoặc thiệt mạng”, Giám đốc điều hành Tổ chức Cứu trợ trẻ em Inger Ashing nhấn mạnh. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng việc ép buộc hoặc tuyển mộ trẻ em để sử dụng trong các cuộc xung đột vũ trang được coi là một trong những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

Trước tình hình trên, Tổ chức Cứu trợ trẻ em đưa ra các khuyến nghị nhằm ngăn chặn việc tuyển mộ trẻ em làm binh lính, trong đó có việc nghiêm trị các đối tượng gây tội ác với trẻ cũng như bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của trẻ. Theo bà Virginia Gamba, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang, các nước cần đặt nhu cầu của trẻ làm trọng tâm trong các kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19.