Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền lợi công dân Hàn Quốc cho biết, theo Luật Chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 30-8-2023, mức trần giá trị các suất quà nông sản và sản phẩm chăn nuôi được phép tặng hoặc nhận sẽ nâng từ 100.000 won (khoảng 76USD) lên 150.000 won. Đối với những dịp lễ lớn như năm mới hay Tết Trung thu, giá trị quà cho phép tặng hoặc nhận cũng được nâng từ 200.000 won lên 300.000 won.

Theo Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền lợi công dân Hàn Quốc, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người ở nước này trao đổi phiếu quà tặng qua điện thoại thông minh như hiện nay, việc tặng phiếu quà tặng qua điện thoại di động và tặng vé xem hòa nhạc vẫn nằm trong danh sách các hành vi bị cấm. Tuy nhiên, luật sửa đổi cho phép tặng phiếu quà tặng nước uống, cà phê hoặc bánh ngọt với trị giá không quá 50.000 won.

Luật Chống tham nhũng của Hàn Quốc, còn gọi là Luật Kim Young-ran, có hiệu lực thi hành từ ngày 28-9-2016. Sự ra đời của Luật Kim Young-ran được xem là mang tính bước ngoặt trong nỗ lực đối phó với nạn tham nhũng ở xứ sở kim chi. Luật này cấm các công chức và những người làm trong một số ngành nghề cụ thể, trong đó có cả giáo viên và nhà báo, nhận các loại quà tặng hoặc bữa chiêu đãi có giá trị cao hơn một mức nhất định như đã nói ở trên. Những người vi phạm có thể phải đối mặt với án phạt tối đa 3 năm tù và 30 triệu won tiền phạt.

Ngay cả những người chủ động tặng quà, tặng tiền hay đề xuất chiêu đãi cũng có thể bị xử phạt. Điển hình là trong những ngày đầu tiên sau khi Luật Kim Young-ran chính thức có hiệu lực, một phụ nữ 55 tuổi ở Hàn Quốc đã bị phạt 90.000 won vì… tặng túi bánh gạo cho một sĩ quan cảnh sát.

Quà tặng, kinh tế và chống tham nhũng - góc nhìn từ Hàn Quốc
Một nhà hàng ở thủ đô Seoul vắng thực khách sau khi Luật Kim Young-ran ra đời. Ảnh: Yonhap 

Theo Yonhap, Luật Kim Young-ran khiến nhiều công chức ở Hàn Quốc bắt đầu tập thói quen “chia sẻ” hóa đơn thanh toán mỗi khi đi ăn uống cùng nhau. Trong khi đó, nhiều người khác lại có xu hướng hạn chế tụ tập ăn uống ở nhà hàng để tránh vô tình phạm luật.

Truyền thông Hàn Quốc cũng từng đưa tin rằng, Luật Kim Young-ran đã dẫn tới hàng loạt thay đổi trong thói quen chi tiêu của người dân và doanh nghiệp Hàn Quốc. Bằng chứng là sau khi luật này ra đời, các doanh nghiệp bắt đầu giảm chi phí tiếp đãi khách, lịch đặt trước tại các sân golf cũng giảm, trong khi các đám cưới trở nên vắng khách đến dự hơn… Một số bệnh viện thậm chí còn dán thông báo yêu cầu bệnh nhân không tặng quà các bác sĩ. Ngoài ra, theo Nikkei, chi tiêu dành cho quà tặng và giải trí của người dân Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2017 đã giảm tới 15% so với năm trước đó.

Cũng chính vì vậy mà có ý kiến cho rằng Luật Kim Young-ran còn nhiều bất cập, khiến nhu cầu chi tiêu trong nước giảm sút và hệ quả là các công ty kinh doanh trong các lĩnh vực như giải trí, thực phẩm… bị thiệt hại nặng.

Luật Chống tham nhũng sửa đổi của Hàn Quốc được thông qua trong bối cảnh xuất hiện những lời kêu gọi tăng mạnh hoặc thậm chí là loại bỏ hoàn toàn mức trần trị giá của các món quà tặng, quà biếu để thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Chia sẻ trong một cuộc họp báo, Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền lợi công dân Hàn Quốc Kim Hong-il cho biết, những tiếng nói từ mọi tầng lớp xã hội đều yêu cầu sửa đổi luật nhằm hỗ trợ các ngành thủy sản, chăn nuôi và nông nghiệp vốn đang gặp khó khăn và để hồi sinh các ngành nghệ thuật, văn hóa tại Hàn Quốc.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/qua-tang-kinh-te-va-chong-tham-nhung-goc-nhin-tu-han-quoc-742201