Điểm sáng nổi bật của trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước

Tiệc trà là một nghi thức lễ tân rất đặc biệt thể hiện sự gần gũi, thân tình. Với ý nghĩa đó mà trong các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc, cùng với chương trình làm việc dày đặc thường có bố trí tiệc trà.

Tối 31-10-2022, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thân mật mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà. Đây là lần thứ hai Đảng, Nhà nước Trung Quốc tổ chức nghi thức đặc biệt này đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lần đầu tiên vào tháng 1-2017, cũng tại Đại lễ đường Nhân dân và trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong không khí ấm cúng, hữu nghị, vừa thưởng trà, vừa xem các nghệ nhân biểu diễn trà đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đàm đạo, trao đổi về văn hóa trà của hai nước cũng như trao đổi về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.

Tiệc trà: Nét tương đồng về văn hóa Việt Nam-Trung Quốc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức trà, tối 31-10-2022, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tháng 11-2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Ðảng và Nhà nước Trung Quốc thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, tại Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc trà thân mật theo lễ nghi của người Việt, với các loại trà nổi tiếng của Việt Nam. Trong không khí vui vẻ, thân tình, hữu nghị, hai Tổng Bí thư cùng ôn lại kỷ niệm về Tiệc trà thân mật tại Ðại Lễ đường nhân dân Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước đó (tháng 1-2017). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, trong sự tương đồng về văn hóa, trong đó có văn hóa trà, mỗi nước cũng có sắc thái độc đáo riêng, thể hiện sự phong phú, đa dạng.

Phát biểu tại một sự kiện giao lưu về trà Việt Nam và Trung Quốc, bà Hy Tuệ, Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho rằng, trà đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của quan hệ Trung – Việt, đặc biệt là nghi thức tiệc trà đã trở thành điểm sáng nổi bật của trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước.

Phương thức quan trọng để giao lưu, hiểu biết lẫn nhau

Theo Thường thức về văn hóa Trung Quốc, trà là thức uống không thể thiếu trong đời sống của người Trung Quốc và thường được dùng để chiêu đãi khách, bạn bè.

Sau khi người Trung Quốc cổ đại phát hiện ra cây trà, ban đầu chỉ dùng để làm thuốc, về sau mới làm đồ uống. Dựa vào cách chế biến, trà Trung Quốc được chia thành nhiều loại như: Trà xanh, hồng trà, trà Ô Long, trà hoa, trà đóng bánh, trà ép…, trong mỗi loại trà trên lại bao gồm nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau.

Trà xanh màu non xanh tươi đẹp, là loại trà không lên men. Các loại trà xanh nổi tiếng nhất có trà Long Tỉnh của Tây Hồ ở Hàng Châu; trà Bích La Xuân ở tỉnh Giang Tô; trà Mao Phong ở Hoàng Sơn, tỉnh An Huy; trà Lục An Qua Phiến sản xuất tại khu vực huyện Lục An, tỉnh An Huy và các vùng lân cận.

Hồng trà là một loại trà đã lên men, nước trà pha ra có màu sắc hồng tươi. Các loại hồng trà nổi tiếng Trung Quốc có Kỳ Hồng Trà của tỉnh An Huy và Điền Hồng Trà của tỉnh Vân Nam.

Trà Ô Long là loại trà lên men một nửa, lá trà rời rạc, to thô, nước trà có màu vàng. Trà Ô Long tốt nhất là trà Vũ Di Nham sản xuất tại núi Vũ Di của tỉnh Phúc Kiến.

Trà hoa là một loại trà độc đáo của Trung Quốc, được chế biến bằng cách ướp thêm hoa thơm vào lá trà. Trà hoa nổi tiếng nhất là trà hoa nhài sản xuất ở tỉnh Phúc Kiến.

Trà đóng bánh là một loại trà sản xuất tại tỉnh Vân Nam và tỉnh Tứ Xuyên, sau khi ép, bánh trà hình tròn giống như chiếc bánh màn thầu.

Trà ép có hình dạng như viên gạch, là loại trà được người dân vùng dân tộc thiểu số như Mông Cổ, Tạng rất ưa thích.

Ở Trung Quốc, thưởng trà đã được nâng lên thành nghệ thuật trà đạo và có những quy định về cách thưởng, cách rót, loại bánh ăn cùng. Từ thời nhà Đường đã có một cuốn sách gọi là Trà Kinh, được mệnh danh là Bách khoa toàn thư về trà, cũng là bộ sách chuyên khảo giới thiệu sớm nhất, đầy đủ và toàn diện nhất về trà.

Bà Hy Tuệ, Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho biết, người Trung Quốc phát hiện và sử dụng lá trà hàng nghìn năm nay. Văn hóa trà Trung Quốc đã đúc kết các đặc tính nổi bật của thiên nhiên hợp nhất hài hòa nhưng khác biệt với các tinh thần nhân văn, chuẩn mực đạo đức. Quan niệm và tư tưởng này không chỉ là cốt lõi của tinh thần tư tưởng của người Trung Quốc mà còn định hướng giá trị và sự theo đuổi chung của con người đối với thế giới tinh thần. Trà đi xuyên suốt lịch sử, vượt qua biên giới giữa các quốc gia, đã trở thành một phương tiện quan trọng để người dân Trung Quốc và người dân thế giới hiểu biết lẫn nhau.

Năm 2022, kỹ thuật pha trà truyền thống của Trung Quốc và các khu vực liên quan đã được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của UNESCO, một lần nữa khẳng định giá trị hiện thực và giá trị thế giới của văn hóa trà Trung Quốc.

Đối với người Việt, từ bao đời nay, trà luôn là một thức uống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ở mỗi không gian, thời gian, mỗi tầng lớp dân cư, mỗi dân tộc, việc thưởng trà đều có những sắc thái khác nhau. Nhưng tựu trung đều thể hiện phẩm chất con người Việt Nam trọng tình, trọng nghĩa, thủy chung trước sau như một; mời trà để thể hiện sự niềm nở, nhiệt tình, hiếu khách, tôn trọng của gia chủ đối với khách đến thăm. Nhâm nhi chén trà khởi đầu cho những cuộc trao đổi, bàn thảo, cho những cuộc hàn huyên tri kỷ… Vì thế, văn hóa trà Việt Nam mộc mạc, chân thành, bình đẳng nhưng vô cùng trọng thị.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/tiec-tra-net-tuong-dong-ve-van-hoa-viet-nam-trung-quoc-742293