Theo AFP, phát biểu tại phiên họp toàn thể cấp cao của Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ ngày 26-9 ở New York (Mỹ), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo: “Một cuộc chạy đua vũ trang mới đáng lo ngại đang diễn ra. Số lượng VKHN có thể tăng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ… Việc sử dụng VKHN ở bất kỳ nơi nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đều sẽ gây ra thảm họa nhân đạo ở quy mô lớn… Không loại bỏ VKHN thì không thể có hòa bình”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong phiên họp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân 26-9. Ảnh: Tân Hoa xã 

Cảnh báo của ông Guterres được đưa ra khi thế giới đang dấy lên lo ngại ngày càng gia tăng về mối đe dọa sử dụng VKHN trong các cuộc xung đột. Theo Tổng thư ký LHQ, cấu trúc giải trừ quân bị và không phổ biến VKHN toàn cầu đang bị xói mòn, trong khi tại một số quốc gia, kho VKHN vẫn tiếp tục được hiện đại hóa, khiến chúng trở nên ngày càng nhanh hơn, chính xác hơn và khó bị phát hiện hơn.

Nhân dịp này, Tổng thư ký LHQ kêu gọi các quốc gia sở hữu VKHN đáp ứng nghĩa vụ giải trừ vũ khí và cam kết không sử dụng VKHN trong bất kỳ trường hợp nào, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố và tái cam kết thực hiện chế độ giải trừ VKHN và không phổ biến VKHN từng được xây dựng trong nhiều thập kỷ, bao gồm Hiệp ước không phổ biến VKHN (NPT), Hiệp ước cấm VKHN (TPNW) và Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).

Trong nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng và chấm dứt mối đe dọa hạt nhân, người đứng đầu LHQ kêu gọi thực hiện các biện pháp đối thoại và đàm phán ngoại giao. Theo đó, nội dung đối thoại cần phải mở rộng về tất cả các loại VKHN và phải giải quyết sự tương tác ngày càng tăng giữa vũ khí chiến lược và vũ khí thông thường, cũng như mối liên hệ giữa VKHN và các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), bởi lẽ “Con người phải luôn kiểm soát và chịu trách nhiệm về mọi quyết định sử dụng VKHN… Thế giới đã trải qua quá lâu dưới cái bóng của VKHN… Hãy mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới cho tất cả mọi người”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Guterres.

AFP dẫn một báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hồi tháng 6 cho hay, tính đến năm 2022, các cường quốc hạt nhân trên thế giới đã tăng đầu tư vào kho vũ khí của họ năm thứ ba liên tiếp. Mặc dù tổng số đầu đạn hạt nhân do Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Pakistan, Nga và Mỹ nắm giữ đã giảm khoảng 1,6% xuống còn 12.512 đầu đạn so với năm trước đó, báo cáo của SIPRI chỉ ra rằng số lượng VKHN có thể sử dụng được thực tế đã tăng lên. Đó là do Mỹ và Nga dỡ bỏ các đầu đạn đã hết hạn sử dụng, trong khi các quốc gia sở hữu VKHN tiếp tục triển khai mới vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Liên quan đến nỗ lực triển khai hành động cấm VKHN, Tổng thư ký LHQ bày tỏ thất vọng khi chỉ mới tháng trước, một hội nghị đánh giá về TPNW đã không đạt được sự đồng thuận của các quốc gia sở hữu VKHN. Lo ngại là thế, song đến nay, không một cường quốc hạt nhân nào ủng hộ TPNW, trong khi nó nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nước đang phát triển.

Tại Nghị quyết số 68/32 năm 2013, ĐHĐ LHQ quyết định chọn ngày 26-9 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn VKHN. Kể từ năm 2014, ngày này đã trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên nhằm nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về mối đe dọa VKHN đối với nhân loại, cũng như sự cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/tong-thu-ky-lien-hop-quoc-keu-goi-giai-tru-vu-khi-hat-nhan-744623