Sau hơn hai thập kỷ chìm đắm trong cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ, Washington đã chính thức khép lại hành trình can thiệp quân sự tại Afghanistan. Năm 2023 đánh dấu năm thứ 3 Mỹ không còn hiện diện quân sự ở Afghanistan, cũng là năm thứ 3 Taliban lên nắm quyền trở lại tại quốc gia Nam Á này. Thế nhưng, những hy vọng từng được nhen nhóm về một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Afghanistan đang ngày càng trở nên mong manh khi cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Hằng ngày, tại biên giới với Pakistan vẫn có hàng nghìn người Afghanistan xếp hàng chờ được đóng dấu vào hộ chiếu để rời đất nước. Đói nghèo, bạo lực là những nguyên nhân chính buộc họ phải lựa chọn rời bỏ quê hương. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng cảnh báo, Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Lương thực, chăm sóc y tế trở thành nỗi ám ảnh với người dân khi mà hơn một nửa dân số Afghanistan đang rơi vào cảnh mất an ninh lương thực, cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.

Không chỉ có vậy, những chính sách hà khắc đối với phụ nữ và trẻ em gái, sự thất bại trong điều hành nền kinh tế, nạn buôn lậu ma túy, chủ nghĩa khủng bố… tiếp tục khoét sâu thêm những vết thương vốn khó lành trong xã hội Afghanistan, đẩy cuộc sống của người dân vào vòng xoáy “đa khủng hoảng”.

Trên thực tế, trong năm vừa qua, Afghanistan không phải quốc gia duy nhất ở khu vực đối mặt với khó khăn. Các cuộc biểu tình đòi tăng lương tại Bangladesh, khủng hoảng kinh tế đeo bám Sri Lanka, những bất ổn về an ninh, chính trị và kinh tế kéo dài ở Pakistan… khiến lộ trình lấy lại đà tăng trưởng của khu vực Nam Á ngày càng trở nên gập ghềnh.

Cũng cần phải khẳng định rằng, năm 2023 đã phá vỡ các kỷ lục về khí hậu và để lại những tác động lớn đến khu vực Nam Á. Mưa lớn, hạn hán hay nhiệt độ tăng cao bất thường ngày càng diễn ra phổ biến, khiến Nam Á trở thành một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan khiến người dân tại khu vực đông dân nhất thế giới, cũng là một trong những tiểu vùng nghèo nhất, đối mặt với rủi ro bệnh tật, mất an ninh lương thực và buộc phải di dời.

Chính biến đổi khí hậu cũng là căn nguyên gây ra cuộc khủng hoảng giá gạo ở châu Á. Giá gạo ở khu vực đã tăng lên mức cao nhất trong gần 15 năm qua sau khi Ấn Độ-nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới-ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Tuy rằng bức tranh tổng thể khu vực Nam Á năm 2023 bị bao phủ bởi vô số gam màu trầm, nhưng đâu đó vẫn có những điểm sáng, mà Ấn Độ chính là một trong số đó.

Ngày 1-12 vừa qua, Ấn Độ bàn giao cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cho Brazil, sau cột mốc tròn 365 ngày đảm nhiệm trọng trách này. Nhìn lại một năm qua, “đất nước tỷ dân” đã để lại nhiều dấu ấn trên cương vị Chủ tịch G20, trong đó có việc củng cố vị trí của một nền tảng toàn cầu trong lĩnh vực hợp tác giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa) phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 vào ngày 9-9 tại New Delhi Ảnh: AFP/TTXVN

Bên cạnh đó, có thể dễ dàng nhận thấy cú hích mà Ấn Độ đạt được trong việc nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên phạm vi toàn cầu. Trên cương vị Chủ tịch G20, trong năm qua, Ấn Độ đã tiếp đón hơn 10.000 đại biểu nước ngoài đến thăm và tổ chức 200 cuộc họp tại các địa điểm trải dài trên khắp đất nước. Điều đó đã khiến nhiệm kỳ Chủ tịch G20 trở thành cơ hội để Ấn Độ chứng minh và thể hiện cho thế giới về những kỳ tích của một nền kinh tế thuộc tốp đầu trong khu vực.

Trên bình diện đa phương, một trong những dấu ấn nổi bật mà Ấn Độ để lại trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 là tăng cường sự kết nối toàn cầu trong bối cảnh một thế giới đang phân cực rõ nét và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn diễn ra vô cùng phức tạp. Với thế mạnh có mối quan hệ lâu dài với các quốc gia đang phát triển, Ấn Độ gần đây đã nhanh chóng tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia phương Tây. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn sử dụng G20 làm nền tảng để vận động cho các nước Nam bán cầu, đồng thời đóng vai trò cầu nối để truyền đạt nhu cầu của thế giới đang phát triển tới các nhà lãnh đạo phương Tây. Thành công của Ấn Độ ở cả trong và ngoài nước khiến New Delhi trở thành cầu nối lý tưởng giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu, đồng thời biến quốc gia Nam Á thành lực lượng vì hòa bình giữa một thế giới bị chia rẽ.

Năm 2023, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Đây cũng là cơ sở để quốc gia Nam Á nắm bắt những lợi thế về nhân lực nhằm đạt được những bước tiến mới trong phát triển kinh tế-xã hội.

Chỉ còn ít ngày nữa, năm cũ sẽ khép lại và mở ra năm mới 2024 với nhiều hy vọng. Nhưng để có được “trái ngọt”, các quốc gia Nam Á sẽ cần phải thực hiện những thay đổi căn bản. Khắc phục những vết thương khủng hoảng và chiến tranh, lấy lại sức sống cho nền kinh tế, cải thiện đời sống người dân, đó là những gì sẽ giúp Nam Á bứt phá trong năm tới.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/nam-a-2023-kim-ham-va-but-pha-758075