Nhà sản xuất máy bay Boeing đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc kiểm tra, giám sát mới sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) yêu cầu các hãng hàng không nước này tạm ngừng khai thác dòng máy bay Boeing 737 Max 9. Sự cố nghiêm trọng xảy ra hôm 5-1 trên chuyến bay số hiệu 1282 của Alaska Airlines cất cánh từ Portland, bang Oregon đến Ontario, bang California (Mỹ). Theo AP, chưa đầy 10 phút sau khi cất cánh, khi máy bay ở độ cao 16.000 feet (4.877m) thì một tiếng nổ chói tai vang lên, rồi một cánh cửa thoát hiểm đột ngột bị thổi bay, tạo ra lỗ thủng lớn trên thân máy bay. Sự cố bất ngờ gây hoảng loạn cho hành khách, đe dọa nghiêm trọng an toàn bay, buộc phi công phải hạ cánh khẩn cấp. May mắn, 171 hành khách cùng 6 thành viên phi hành đoàn đều an toàn. Điều đáng nói là, chiếc máy bay chỉ mới được nhà sản xuất bàn giao cho hãng hàng không chưa đầy 3 tháng.

Ngay sau sự cố, FAA đã yêu cầu hai hãng hàng không Mỹ đang khai thác Boeing 737 Max 9 là United Airlines và Alaska Airlines tạm ngừng vận hành dòng máy bay này để kiểm tra. Hệ quả là hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ, ảnh hưởng tới việc đi lại của hàng nghìn hành khách.

The Washington Post dẫn tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Mỹ Jennifer Homendy cho biết: “Chúng tôi sẽ kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống điều áp và hệ thống cửa thoát hiểm của máy bay”. Trước đó, các phi công đã báo cáo về lỗi đèn cảnh báo điều áp trên 3 chuyến bay của chính chiếc Boeing 737 Max 9 này, song dường như dấu hiệu đó đã bị bỏ qua.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Máy bay Boeing 737 Max 9 hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Portland, bang Oregon (Mỹ) sau sự cố ngày 5-1. Ảnh: AP 

Dư luận còn chưa quên hai vụ tai nạn hàng không thảm khốc khiến 346 người thiệt mạng, khi máy bay do Lion Air của Indonesia vận hành lao xuống biển Java cuối năm 2018 và máy bay của Ethiopian Airlines gần như rơi thẳng đứng xuống cánh đồng chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia năm 2019. Cả hai máy bay đều là Boeing 737 Max 8, với nguyên nhân công bố là do sự cố lỗi phần mềm hệ thống điều khiển. Ngay khi đó, toàn bộ dòng máy bay Max của Boeing bị cấm bay trên phạm vi toàn cầu gần 2 năm trong khi chờ các kỹ sư Boeing xác định nguyên nhân gốc rễ và đưa ra biện pháp khắc phục.

Tạp chí Airways dẫn lời nhà sản xuất cho hay, Boeing 737 Max có thiết kế giúp tiết kiệm nhiên liệu vượt trội so với những chiếc Boeing 737 thông thường, nhờ vậy, các hãng hàng không tiết kiệm đáng kể chi phí nhiên liệu khi vận hành. Trong sự cố vừa qua, Boeing 737 Max 9 là dòng máy bay mới, mỗi chiếc có giá tới 129 triệu USD, với sức chứa 220 hành khách. Tuy nhiên, một số hãng hàng không đã cải biến, giảm sức chứa tối đa bằng cách bớt đi một số ghế và gia cố cửa thoát hiểm bổ sung. Sự cố được cho sẽ vô cùng bi thảm nếu máy bay đạt tới độ cao hành trình ở 10.000m, khi đó, lỗ thủng bất ngờ trên thân máy bay sẽ khiến khoang hành khách lập tức mất khả năng điều áp, toàn bộ dưỡng khí thoát ra ngoài, hành khách sẽ nhanh chóng bất tỉnh và lạnh cóng. Thậm chí, những người không cài dây an toàn có thể bị lực hút cực mạnh hút ra khỏi máy bay qua lỗ thủng.

Theo nhà cung cấp dữ liệu hàng không Cirium, có khoảng 218 máy bay Boeing 737 Max 9 đang hoạt động trên toàn cầu, trong đó, United Airlines và Alaska Airlines sở hữu tới 70% số máy bay này. Các nhà khai thác khác gồm Copa Airlines của Panama, Aeromexico của Mexico, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, FlyDubai của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và IcelandAir của Iceland.

Những sự cố xảy ra với Boeing 737 Max trong 5 năm qua đã giáng đòn nặng nề vào danh tiếng của Boeing, làm lung lay niềm tin của công chúng về khâu kiểm soát chất lượng cũng như mức độ an toàn của dòng máy bay từng rất “hot” trên thị trường toàn cầu.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/lo-ngai-tu-su-co-boeing-737-max-9-760901