Theo Reuters, KCNA ngày 16-1 cho biết, trong bài phát biểu tại Quốc hội Triều Tiên một ngày trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã kêu gọi sửa hiến pháp để coi Hàn Quốc là “kẻ thù chính” và cảnh báo rằng Triều Tiên “không muốn chiến tranh” nhưng “không có ý định tránh nó”. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho rằng hiến pháp cần được sửa đổi để giáo dục người dân Triều Tiên rằng Hàn Quốc là “kẻ thù chính và kẻ thù bất biến”, đồng thời xác định lãnh thổ của Triều Tiên tách biệt so với Hàn Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cho biết ông đã rút ra kết luận rằng việc thống nhất với miền Nam là điều không còn khả thi, đồng thời cáo buộc Seoul tìm cách lật đổ chính quyền ở Bình Nhưỡng và thống nhất bằng sáp nhập.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Các đại biểu dự kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV của Triều Tiên tại Bình Nhưỡng ngày 15-1. Phát biểu tại Quốc hội, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho rằng việc thống nhất với miền Nam là điều không còn khả thi. 

Trong phát biểu, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cho thấy lập trường gay gắt khi kêu gọi chấm dứt trao đổi giữa hai miền và phá hủy tượng đài thống nhất ở Bình Nhưỡng. Báo chí Triều Tiên cho biết, 3 tổ chức phụ trách công tác thống nhất và du lịch liên Triều cũng sẽ phải đóng cửa. KCNA thông báo nước này đã quyết định đóng cửa các cơ quan phụ trách vấn đề liên Triều, vốn được thành lập để tạo điều kiện cho đối thoại liên Triều, triển khai các cuộc đàm phán và hợp tác song phương. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ bãi bỏ hoạt động của Ủy ban Tái thống nhất hòa bình, Cục Hợp tác kinh tế quốc gia và Cục Du lịch quốc tế Kumgangsan. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp pháp lý nhằm xác định lại mối quan hệ đối với Hàn Quốc.

Reuters cho biết, giới phân tích đánh giá khả năng Bộ Ngoại giao Triều Tiên sẽ phụ trách quan hệ với Hàn Quốc trong thời gian tới. Sự thay đổi này sẽ hợp lý hóa việc Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân với Hàn Quốc nếu chiến tranh xảy ra trong tương lai. Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều duy trì chính sách xử lý quan hệ liên Triều dựa vào các cơ quan và bộ đặc biệt, chứ không phải thông qua Bộ Ngoại giao.

Đáp lại động thái cứng rắn của Triều Tiên, ngày 16-1, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ trừng phạt Triều Tiên với quy mô lớn gấp bội, trong trường hợp Bình Nhưỡng thực hiện hành động khiêu khích. Trong cuộc họp nội các, Tổng thống Hàn Quốc lên tiếng chỉ trích việc Triều Tiên liệt quốc gia này vào danh sách các quốc gia “thù địch nhất”, gọi đây là hành động “phi lịch sử” của Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng tên lửa và bắn đạn pháo gần đây của Triều Tiên là hành động chính trị, chia rẽ công chúng Hàn Quốc.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây trở nên căng thẳng sau các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, cũng như các vụ bắn đạn pháo từ cả Triều Tiên và Hàn Quốc trong khuôn khổ các cuộc tập trận bắn đạn thật. Ngày 14-1, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển phía Đông trong vụ phóng tên lửa đầu tiên của Bình Nhưỡng năm 2024. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cùng lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn của Triều Tiên, nhấn mạnh rằng “hành động như vậy là nguy hiểm, vô trách nhiệm và gây bất ổn cho an ninh khu vực, cũng như quốc tế”.

Bán đảo Triều Tiên không ngừng nóng lên kể từ năm 2022 cho đến nay, với liên tiếp các động thái trả đũa lẫn nhau giữa Triều Tiên với Hàn Quốc. Đầu năm 2023, Triều Tiên đã lần đầu tiên đưa vấn đề vũ khí hạt nhân vào hiến pháp nhằm phản ứng trước sự hợp tác hạt nhân ngày càng sâu sắc giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí tăng cường hợp tác về kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố nước này có thể phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Trước mối quan hệ liên Triều ngày càng trở nên khó cứu vãn, việc khôi phục lại khuôn khổ đàm phán 6 bên bị đình trệ từ năm 2008 được coi là giải pháp cần thiết để ngăn chặn căng thẳng leo thang và kiềm chế các bên, tránh xảy ra các cuộc đụng độ ngoài ý muốn trên bán đảo Triều Tiên.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/quan-he-lien-trieu-ngay-cang-xa-cach-761596