Thứ hai,  08/07/2024

Thanh niên tham gia chuyển đổi số: Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ

Ban tổ chức cuộc thi trao giải cho thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi “Thanh niên với Chuyển đổi số” do Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức

– Nhận thức rõ về tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngày 28/9/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 49 về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai chủ trương về chuyển đổi số, các cấp, các ngành, trong đó có đoàn thanh niên. Với sự nhiệt huyết và nhạy bén trong tiếp cận khoa học công nghệ, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã phát huy tinh thần xung kích trong chuyển đổi số bằng nhiều việc làm thiết thực, mang lại kết quả tích cực.

Anh Đoàn Thành Công, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Triển khai chủ trương của Tỉnh ủy, kế hoạch của Trung ương đoàn, trong năm 2022, Tỉnh đoàn và Sở Thông tin và Truyền thông đã ký kết chương trình hợp tác về thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022. Triển khai các hoạt động về chuyển đổi số, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo 100% các huyện, thành đoàn, đoàn trực thuộc đẩy mạnh triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ số vào tổ chức, thực hiện các phong trào cách mạng của đoàn; khuyến khích các đơn vị triển khai ứng dụng số phục vụ hoạt động công tác đoàn, hội, đội. Năm 2023 được Trung ương Đoàn xác định là năm chuyển đổi số các hoạt động của đoàn, theo đó Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo tổ chức đoàn cấp huyện, xã triển khai phần mềm quản lý đoàn viên. Đây là phần mềm quản lý đoàn viên số hóa hoàn toàn dữ liệu đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), kết nối liên thông với ứng dụng Thanh niên Việt Nam, qua đó, giúp cấp quản lý nắm được số liệu cụ thể về đoàn viên mới kết nạp, đoàn viên chuyển đến hay chuyển đi, việc thực hiện các chương trình rèn luyện của đoàn viên, xếp loại đoàn viên. Thông qua phần mềm này, bản thân đoàn viên cũng có thể tra cứu các thông tin của mình. Trong năm, Tỉnh đoàn  cũng ra mắt cổng thông tin quảng bá, giới thiệu và kết nối sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên Lạng Sơn, giúp ĐVTN kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Đoàn viên chi đoàn 26/3 (Tỉnh đoàn), trình diễn cách bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội tại cuộc thi “Thanh niên với chuyển đổi số” năm 2023

Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong việc đưa các nền tảng số, ứng dụng số, kỹ năng số đến với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, năm 2022, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các đơn vị lựa chọn ĐVTN tham gia tổ công nghệ số cộng đồng. Qua đó, toàn tỉnh đã xây dựng được mạng lưới hơn 1.600 ĐVTN là những người yêu thích công nghệ, nhanh nhạy trong việc ứng dụng các nền tảng số… tham gia các tổ công nghệ số cộng đồng. Để ĐVTN nắm được chủ trương về chuyển đổi số và các kỹ năng số, Tỉnh đoàn đã phối hợp tổ chức tập huấn cho thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, xây dựng các nhóm zalo của tỉnh, huyện, thôn, xã để thành viên tổ công nghệ số cộng đồng kịp thời trao đổi, chia sẻ và được giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hỗ trợ triển khai ứng dụng số. Sau khi được tập huấn, thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng đã chủ động hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số, mua bán trên sàn thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Chị Hoàng Thu Hằng, thành viên tổ Công nghệ số cộng đồng xã Bắc Xa, huyện Đình Lập cho biết: Trong năm 2022 và 2023 tôi đã hỗ trợ hơn 100 lượt người trên địa bàn xã cài đặt, sử dụng các ứng dụng số như: Công dân số Xứ Lạng, tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản định danh cá nhân. Những ứng dụng này đều rất thiết thực với đời sống nên người dân đã chủ động tìm hiểu, đề nghị hỗ trợ cài đặt và sử dụng.

Đặc biệt, trong đợt triển khai thực hiện cài đặt tài khoản định danh điện tử VneID đầu năm 2023, các cấp bộ Đoàn tổ chức hơn 50 câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm với trên 7.000 ĐVTN phối hợp với lực lượng công an hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VneID.

Ông Hoàng Văn Soan, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định chia sẻ: Được các cháu thanh niên tuyên truyền, hướng dẫn tôi đã biến đến nhiều ứng dụng số rất hữu ích. Nhờ đó, khi đi chợ tôi có thể chuyển khoản trên điện thoại để mua hàng thay cho tiền mặt; khi đi khám bệnh tôi cũng chỉ cần mang theo điện thoại thông minh vì các thông tin cá nhân của tôi đã được tích hợp trên ứng dụng số… Nhờ những ứng dụng này mà tôi thấy nhiều hoạt động trong đời sống trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn.

Tại cấp huyện, các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc đã phát huy vai trò trong việc xây dựng, triển khai nhiều ứng dụng số phục vụ người dân, doanh nghiệp, thanh thiếu nhi. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, Thành đoàn Lạng Sơn ra mắt cẩm nang phòng, tránh tệ nạn ma túy học đường, phòng, chống tai nạn thương tích, sổ tay du lịch tại thành phố Lạng Sơn, trang thông tin trực tuyến trên Zalo (Zalo Official) “Tuổi trẻ thành phố Lạng Sơn”; Huyện đoàn Hữu Lũng tổ chức giải chạy bộ trực tuyến “Hữu Lũng vẻ đẹp thanh bình”, mô hình “Thư viện số cho em”; Huyện đoàn Cao Lộc triển khai mô hình “Thư viện số cộng đồng” giúp người dân tra cứu thủ tục hành chính, giải trí và mô hình chợ 4.0;… Ngoài ra, để lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến ĐVTN và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh, năm 2023, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức cuộc thi “Thanh niên với chuyển đổi số”; Huyện đoàn huyện Lộc Bình tổ chức hội nghị tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia…

Anh Lương Đình Chung, Bí thư Thành đoàn Lạng Sơn chia sẻ: Triển khai các hoạt động tham gia chuyển đổi số, thành đoàn đã phân công cán bộ học hỏi cách xây dựng và triển khai các ứng dụng số. Trên cơ sở đó chúng tôi đã xây dựng được 2 cuốn cẩm nang trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh; 1 sổ tay du lịch, 1 trang thông tin của Thành đoàn. Sau khi hoàn thành các cuốn cẩm nang số, trang thông tin đã trở thành tài liệu sinh hoạt cho các chi đoàn, chi hội, chi đội, giúp đoàn viên, thanh thiếu nhi dễ dàng tiếp cận thông tin.

Từ năm 2023 đến nay, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã cập nhật thông tin của gần 50.000 đoàn viên (đạt 98,7%) lên phần mềm quả lý đoàn viên; 100% đoàn viên được đánh giá, xếp loại đoàn viên trên phần mềm quản lý đoàn viên; 100% các nghiệp vụ quản lý đoàn viên được thực hiện trên phần mềm; 98% đoàn viên sử dụng ứng dụng Thanh niên Việt Nam. Sự chung sức, đồng hành của đông đảo ĐVTN trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh, cụ thể, hỗ trợ cài đặt tài khoản định danh điện tử VneID cho trên 440 nghìn người; hỗ trợ kích hoạt tài khoản định danh điện tử VneID cho trên 305 nghìn người; hỗ trợ đưa hơn 20 nghìn sản phẩm nông sản của nông dân lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ cài đặt trên 630 nghìn tài khoản số (công dân số Xứ Lạng, tài khoản thanh toán điện tử, tài khoản mua, bán trên sàn thương mại điện tử)… Các ứng dụng số mà các huyện, thành đoàn triển khai đã phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống, học tập.

HOÀNG VƯƠNG