Thứ năm,  19/09/2024

Đồng chí Hoàng Văn Thụ: Người lãnh đạo tận tụy, luôn chăm lo cơ sở và phong trào cách mạng

(LSO) – Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909 – 1944) đã để lại những bài học quý báu về tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản, kiên định lập trường giai cấp công nhân; phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản và tác phong của người lãnh đạo cách mạng. Đồng chí có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước về việc tham gia gây dựng, củng cố phong trào cách mạng Việt Nam và là tấm gương sáng về người lãnh đạo tận tụy vì nhiệm vụ, luôn chăm lo tới cơ sở, phong trào cách mạng.

Sau thời gian tích cực tham gia gây dựng, củng cố phong trào cách mạng Việt Nam tại các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Đông… trên cương vị Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đề nghị thành lập tờ báo “Giải phóng” làm cơ quan tuyên truyền của Xứ uỷ. Đảm nhận vai trò chủ bút, đồng chí thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ uỷ Bắc Kỳ với bí danh là Lý.

Đoàn viên, thanh niên Trường Cao đẳng Y tế, tìm hiểu các tài liệu, hiện vật trong triển lãm chuyên đề “Hoàng Văn Thụ – sáng mãi tên anh” tại Bảo tàng tỉnh.  Ảnh: TUYẾT MAI

Giữa năm 1940, hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, thực dân Pháp liên tục tăng cường lùng sục, vây ráp, truy bắt cán bộ cách mạng ở khắp nơi. Trước sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, cơ quan Xứ uỷ Bắc Kỳ phải di chuyển đến nhiều địa điểm bí mật. Những ngày tháng gian khổ, hoạt động gần gũi với các cơ sở quần chúng cách mạng, anh Lý – người Bí thư Xứ uỷ tận tâm với nhiệm vụ, luôn chăm lo tới cơ sở và phong trào cách mạng đã để lại trong cán bộ, quần chúng những tình cảm trân trọng, quý mến, gần gũi.

Ngay khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ ngày 27/9/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ tổ chức họp bàn với Ban Thường vụ Xứ uỷ, đề ra chủ trương: duy trì Đội Du kích Bắc Sơn để làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng sau này. Thống nhất với đề nghị của Xứ uỷ Bắc Kỳ, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (họp từ ngày 6 đến 9/11/1940 tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) đã đề ra chủ trương quyết định phát triển hình thức đấu tranh vũ trang, giao đồng chí trực tiếp chỉ đạo thành lập căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai.

Cuối tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Ban Thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ quan trọng đi Tĩnh Tây (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bàn việc tổ chức thống nhất lực lượng cách mạng trong và ngoài nước; đồng thời, xin chỉ thị của Người về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Sau khi nhận chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã liên lạc với Tỉnh uỷ Cao Bằng, chuẩn bị địa điểm tổ chức hội nghị. Cuối tháng 2/1941, trên đường đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng), đồng chí Hoàng Văn Thụ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương đã làm việc với Ban Chỉ huy Đội Du kích Bắc Sơn tại Khuổi Nọi, Vũ Lễ (Bắc Sơn) và thông báo chủ trương của Đảng về việc phát triển Đội Du kích Bắc Sơn làm nòng cốt cho phát triển lực lượng vũ trang cách mạng.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (họp tại Pác Bó, Cao Bằng từ ngày 10 đến 19/5/1941), thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ dự hội nghị Xứ uỷ Bắc kỳ họp tại làng Đông Lĩnh (Thanh Ba, Phú Thọ) và có nhiều ý kiến chỉ đạo công tác củng cố, phát triển Đảng, đẩy mạnh phát triển phong trào quần chúng cách mạng. Từ cuối năm 1941, đồng chí tập trung chỉ đạo phát triển các cơ sở quần chúng cách mạng trong công nhân, công chức, binh sĩ, cảm hoá, tập hợp được nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau ủng hộ cách mạng, góp phần xây dựng nhiều cơ sở quần chúng ở những địa bàn quan trọng (Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Vĩnh Yên) làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Với phẩm chất của một cán bộ lãnh đạo tận tụy, năng động, sáng tạo, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp quan trọng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Đồng chí đã có công lớn trong việc đề xuất sáng lập báo “Giải phóng”, tham gia chỉ đạo hoạt động tuyên truyền của báo “Cờ giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản”. Những bài viết, dịch của đồng chí về lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, về phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đã góp phần phổ biến, giác ngộ tinh thần cách mạng vô sản cho đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng. Phương pháp, nguyên tắc hoạt động bí mật hiệu quả do đồng chí xây dựng đã giúp Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong quá trình vận động, tổ chức phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước. Cùng với đó, những hoạt động của đồng chí trên cương vị Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng góp phần thức tỉnh, lôi cuốn nhiều binh lính, sĩ quan yêu nước người Việt Nam trong quân đội Pháp ở thuộc địa tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

NGUYỄN ĐỨC LUẬN (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)