Thứ sáu,  20/09/2024

Tôn tạo di tích: Khó do thiếu kinh phí

(LSO) – Lạng Sơn có hệ thống di tích lịch sử – văn hóa phong phú, đa dạng, trong đó, nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn kinh phí dành cho tôn tạo, tu bổ hạn chế nên việc bảo tồn di tích gặp khó khăn, nhiều di tích đang bị xuống cấp, hư hại.

   Thực trạng xuống cấp

Di tích lịch sử Bản Quyền A, nằm ở thôn Quyền A 1, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định, là nơi diễn ra cuộc mít tinh trọng thể, bầu ra UBND và Ủy ban Mặt trận Việt Minh huyện ngày 22/9/1945. Di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2002. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, di tích hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống tường bao quanh di tích đều đã nứt nẻ, bong tróc, khu vực mái bị vỡ, hỏng từng mảng lớn. Ông Ma Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn cho biết: “Chúng tôi rất muốn tu bổ, tôn tạo lại di tích song lực bất tòng tâm do không có nguồn kinh phí. Hiện nay, chúng tôi đã làm văn bản kiến nghị huyện, tỉnh hỗ trợ kinh phí để sớm khắc phục tình trạng xuống cấp này”.

Cũng trong tình trạng xuống cấp, di tích Đồn Mỏ Nhài, xã Hưng Vũ nằm trong Khu di tích lịch sử huyện Bắc Sơn, được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2016. Di tích mang ý nghĩa rất to lớn khi nơi đây đánh dấu sự kiện khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940). Năm 1995, tại vị trí đồn Mỏ Nhài, tượng đài chiến thắng khởi nghĩa Bắc Sơn được xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay khu vực Mỏ Nhài gần như bị “bỏ quên” khi xung quanh của tấm bia giới thiệu về ý nghĩa của chiến thắng Mỏ Nhài ở đầu đường lên di tích bị che lấp bởi cỏ dại. Đường lên đồn rất xấu với nhiều “ổ gà, ổ voi”, có đoạn cây dại mọc chắn lối đi. Đáng nói, khu vực bãi đất – nơi xây dựng đài chiến thắng khởi nghĩa Bắc Sơn lại trở thành nơi để người dân chăn thả trâu, bò. Phần chân tượng đài cũng đã xuống cấp nghiêm trọng khi có hiện tượng rêu mốc, cây dại mọc ra từ kẽ các phiến đá trong tượng đài.

Đài tưởng niệm tại di tích Đồn Mỏ Nhài, xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn có nhiều dấu hiệu xuống cấp

Ông Dương Công Thành, 86 tuổi, phố Mỏ Nhài, xã Hưng Vũ – người sống gần khu vực di tích nhiều năm chia sẻ: “Tôi thấy rất buồn khi hiện nay di tích chưa được quan tâm tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa vốn có. Hiện đường vào di tích rất khó khăn. Chúng tôi mong các cấp chính quyền cần sớm quan tâm, bố trí kinh phí tu bổ để gìn giữ di tích lịch sử”.

Trên đây chỉ là 2 trong số hơn 100 di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã và đang có dấu hiệu xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng cần tu bổ, tôn tạo. Qua đây đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý, đầu tư cho các di tích sao cho xứng tầm nhằm đảm bảo được ý nghĩa của nó cũng như giá trị lịch sử trong thực tế hiện nay.

   Giải pháp dài hơi

Ông Hoàng Thế Vinh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Bắc Sơn hiện có 1 khu Di tích Quốc gia đặc biệt với 12 điểm di tích lịch sử. Những năm qua, huyện đã quan tâm đến việc đầu tư, tu bổ các di tích, 12/12 điểm di tích đã được cắm biển chỉ dẫn, 7/12 di tích lịch sử được đầu tư, tôn tạo. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên chưa bố trí được kinh phí cho tôn tạo di tích. Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch xin chủ trương của UBND tỉnh cấp kinh phí để tu sửa, phục dựng các di tích đã bị xuống cấp trên địa bàn, trong đó có di tích Đồn Mỏ Nhài (xã Hưng Vũ)…

Thiếu kinh phí xây dựng, tu bổ và sửa chữa các di tích hiện đang là tình trạng chung tại nhiều di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 112 khu, điểm di tích lịch sử. Trong đó có 26 khu, điểm di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt và cấp tỉnh. Đáng chú ý, trong 5 năm qua (2015 – 2019) mới có 10 điểm di tích trong tổng số 26 khu, điểm di tích lịch sử đã xếp hạng được quan tâm xây dựng, đầu tư, tôn tạo và sửa chữa với số vốn trên 17 tỷ đồng.

Đối với các di tích lịch sử còn lại, các địa phương mới chỉ dừng ở việc cắm biển chỉ dẫn khu vực di tích. Nhiều di tích lịch sử hiện nay đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó, rất nhiều khu, điểm di tích cần đầu tư tu bổ cấp thiết trong thời gian tới như: Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn); Khu di tích lịch sử Chi Lăng (huyện Chi Lăng); di tích Khu đền, Linh địa cổ Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình); đình Háng Pài, xã Thụy Hùng (huyện Cao Lộc); di tích Bản Quyền A, xã Hùng Sơn (huyện Tràng Định); bia di tích lịch sử Khau Kham – Nà Mặn, xã Hoa Thám, (huyện Bình Gia)…

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thực tế hiện nay, số di tích lịch sử trên địa bàn khá nhiều trong khi hạn chế về nguồn kinh phí, kể cả kinh phí của Trung ương và địa phương. Đặc biệt, đối với những di tích lịch sử không tạo được nguồn thu rất khó khăn cho việc trùng tu, tôn tạo. Mặt khác, tại một số nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử. Ý thức bảo vệ di tích lịch sử của người dân tại một số điểm chưa cao, vẫn còn hiện tượng xả rác bừa bãi quanh khu vực di tích.

Để khắc phục những hạn chế trên, hiện nay, ngành văn hóa đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn toàn tỉnh trình UBND tỉnh xem xét. Nếu được phê duyệt thì hằng năm sẽ có nguồn lực dành cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh thu hút các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào việc trùng tu, tôn tạo cũng như đầu tư vào các di tích danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật, các di tích khảo cổ và các di tích lịch sử cách mạng có tiềm năng để phát triển du lịch.

Ngành văn hóa đã và đang có giải pháp dài hơi thông qua việc xây dựng đề án trình tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, trước mắt thiết nghĩ ngành cần có giải pháp đối với một số di tích có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Tránh để tình trạng buông lỏng quản lý các di tích này trong thời gian chờ được phê duyệt đề án.

TUYẾT MAI