Thứ hai,  08/07/2024

Nâng tầm thương hiệu hoa đào Xứ Lạng

(LSO) – Từ lâu, Lạng Sơn được coi là xứ sở hoa đào với các giống đào đẹp và quý hiếm được nhiều nơi ưa chuộng. Tháng 10/2018, UBND tỉnh đã xây dựng đề án bảo tồn, phát triển giá trị cây đào và tổ chức lễ hội hoa đào Xứ Lạng nhằm phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị cây đào xứ Lạng.  

Do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây đào nên Lạng Sơn được mệnh danh là xứ sở hội tụ nhiều giống đào đẹp và quý như: đào bích, đào bạch, đào phai, đào chuông, đào thất thốn với các loại hoa đơn, hoa kép. Cây hoa đào Lạng Sơn được trồng ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 98 ha đào với 150.000 cây.

Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn,  trong đó có việc thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, tăng trưởng kinh tế bền vững, thông qua việc hình thành một số vùng không gian văn hoá tiêu biểu để tiến tới xây dựng thương hiệu các vùng không gian văn hoá tiêu biểu của tỉnh, việc phát triển giá trị hoa đào nhằm tạo điểm nhấn trong hoạt động đón xuân thu hút khách du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Người dân xã Quảng Lạc giới thiệu hoa đào với du khách

Với chủ trương đó, năm 2017, tỉnh đã tổ chức hội hoa đào với quy mô lớn, cùng đó, ngành văn hóa đã tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy các giá trị hoa đào Lạng Sơn”. Sau thành công của lễ hội hoa đào lần I – xuân Mậu Tuất 2018, hình ảnh hoa đào Xứ Lạng đã được quảng bá rộng rãi hơn tới du khách thập phương, đồng thời phát động phong trào trồng đào ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Theo anh Hoàng Văn Hưng, chủ hộ trồng hơn một trăm gốc đào tại thôn Quảng Hồng I, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn: Trước đây, việc trồng đào của gia đình chỉ mang tính tự phát với đầu ra không ổn định, tuy nhiên tới năm 2018, khi lễ hội hoa đào được tỉnh tổ chức, du khách nhiều nơi đã biết và tìm đến mua đào của gia đình, nhờ đó, thu nhập từ bán đào của gia đình đã tăng gấp đôi so với năm 2017.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng các điểm trồng đào với quy mô nhỏ, manh mún và mang tính tự phát còn nhiều, do vậy, để xây dựng thương hiệu đào Xứ Lạng và quảng bá rộng rãi hơn nữa đòi hỏi cần có một lộ trình cụ thể. Trước yêu cầu đó, ngày 31/10/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2167/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển các giá trị cây đào và tổ chức lễ hội hoa đào Xứ Lạng.

Theo đó, đề án sẽ tập trung vào hình thành và thúc đẩy phát triển thị trường, trong đó, nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư kinh doanh cây hoa đào và kết hợp hình thành, phát triển các làng nghề, các khu, điểm du lịch; quy hoạch không gian vùng trồng đào từ nay đến năm 2025 và sau năm 2025; xác định giá trị “thương hiệu” của cây đào Xứ Lạng để thực hiện các hoạt động truyền thông, quảng bá, nâng cao giá trị kinh tế; tổ chức lễ hội hoa đào Xứ Lạng hằng năm từ ngày 23 tháng Chạp đến hết ngày 15 tháng Giêng.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở đã và đang phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thành phố tổ chức triển khai đề án; tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách bảo tồn, phát triển đào, hoa đào trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo. Năm 2019, hưởng ứng năm du lịch quốc gia, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục tổ chức lễ hội hoa đào lần thứ II, lễ hội hoa đào Xứ Lạng năm nay sẽ có thêm một số điểm mới như: chủ thể tham gia, không gian và quy mô tổ chức được mở rộng hơn, kết hợp với việc xây dựng các tua, tuyến du lịch tham quan vườn đào, đây sẽ là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động đón xuân trên địa bàn tỉnh.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tin tưởng  rằng sau khi đề án được thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ; góp phần thu hút đầu tư và du khách thập phương đến với Lạng Sơn giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

NGỌC HIẾU – TUYẾT MAI