Thứ hai,  08/07/2024

Rối nước Thăng Long lần đầu dự “sân chơi” nghệ thuật Kerala

Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Festival quốc tế (IFF) thuộc Hiệp hội Sân khấu thế giới (ITI), Nhà hát múa rối Thăng Long lên đường tham gia Liên hoan quốc tế các nhà hát lần thứ 11- Kerala 2019 (ITFoK), từ ngày 20 đến 26-1 tại Ấn Ðộ. Ðây là lần đầu nhà hát tham dự liên hoan này, cũng là chuyến “xuất ngoại” mở đầu cho hoạt động lưu diễn tại các liên hoan nghệ thuật quốc tế trong năm 2019.

Rối nước Thăng Long lần đầu dự

Một tiết mục biểu diễn của Nhà hát múa rối Thăng Long.

 

Liên hoan quốc tế các nhà hát lần thứ 11- Kerala 2019 do Hiệp hội Sân khấu thế giới (ITI) tổ chức với sự tham gia của khoảng 15 nhà hát đến từ các nước có chủ đề tôn vinh và đề cao những giá trị cốt lõi của nền sân khấu có bản sắc riêng. Theo NSƯT Chu Lượng, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát múa rối Thăng Long, đoàn của nhà hát có 11 nghệ sĩ, diễn viên mang tới liên hoan một chương trình đặc sắc dài 45 phút với 16 tiết mục rối nước truyền thống tiêu biểu nhất, từng đoạt các giải thưởng trong nước, quốc tế và được khán giả, nhất là khán giả nước ngoài yêu thích như: Múa rồng, Múa tiên, Tễu giáo trò, Ðánh cáo bắt vịt, Câu ếch, Ðánh bắt cá, Nhi đồng hí thủy… và các trò diễn giới thiệu về lao động, sản xuất nông nghiệp gắn với khung cảnh nông thôn Việt Nam. Ðể phục vụ cho các tiết mục, nhà hát đã chuyển sang Ấn Ðộ cả một sân khấu múa rối lắp ráp với bể nước như tại rạp cố định của nhà hát. Bên cạnh những tiết mục nêu trên, để giao lưu với các nghệ sĩ, khán giả Ấn Ðộ, nhà hát đã dàn dựng một số tiết mục rối mang màu sắc văn hóa Ấn Ðộ với nội dung tích trò và những con rối gần gũi thân quen với người xem nước bạn. Trong thời gian liên hoan, đoàn Nhà hát múa rối Thăng Long còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như triển lãm giao lưu và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Ðoàn sẽ giới thiệu nghệ thuật múa rối nước cổ truyền đến công chúng nước bạn và các nghệ sĩ, diễn viên quốc tế về lịch sử hình thành, kỹ thuật múa rối và các quy trình tạo tác con rối, biểu diễn của các nghệ sĩ, nghệ nhân Việt Nam.

Ðạo diễn Lê Quý Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới, Chủ tịch Diễn đàn Festival quốc tế cho biết: “Ðoàn Nhà hát múa rối Thăng Long là đại diện duy nhất của Việt Nam trình diễn rối nước tại Liên hoan quốc tế các nhà hát – Kerala từ trước đến nay. Tôi mong muốn giới thiệu rối nước Việt Nam đến với liên hoan và phát huy được các giá trị di sản nghệ thuật vô cùng quý giá này của dân tộc như lời dặn của giáo sư Trần Văn Khê, người thầy đã truyền dạy tôi rất nhiều về văn hóa dân tộc.

Là một trong những nhà hát quanh năm “đỏ đèn”, có doanh thu lớn của ngành văn hóa nói chung và của Hà Nội nói riêng, Nhà hát múa rối Thăng Long từng xác lập kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm” từ năm 2013 và liên tục giữ vững kỷ lục trong 5 năm qua và chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Bên cạnh “đặc sản” rối nước và các tiết mục phục vụ thiếu nhi, nhà hát đang có kế hoạch xây dựng hệ thống tiết mục mới hướng tới đối tượng khách du lịch quốc tế với dịch vụ, chất lượng sản phẩm nghệ thuật cao, là một điểm đến ấn tượng trên hành trình tua du lịch cao cấp khi đến Việt Nam.

Theo Nhandan