Thứ sáu,  20/09/2024

Hội thảo khoa học “Khu di tích lịch sử Chi Lăng – Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”

LSO-Ngày 10/4/2019, UBND huyện Chi Lăng phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Khu di tích lịch sử Chi Lăng – Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy”. Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội thảo. Về phía Trung ương có 35 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực văn hóa, di sản.


Toàn cảnh hội thảo khoa học “KDT lịch sử Chi Lăng – Giá trị lịch sử –
Bảo tồn và phát huy”

Khu di tích lịch sử Chi Lăng (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) gắn liền với lịch sử đấu tranh chống xâm lược với những chiến công vang dội của dân tộc Việt Nam. Theo hồ sơ, Khu di tích lịch sử Chi Lăng có tổng thể 52 điểm, đến nay đã xác định được 46 điểm di tích trải dài từ khu Mỏ Đá, xã Quang Lang đến xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng.

Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Khu di tích lịch sử Chi Lăng là niềm tự hào, biểu tượng cho trí tuệ, khát vọng, ý chí và sức mạnh không khuất phục của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn nói riêng. Tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp thu những ý kiến tham luận của các nhà khoa học, nhà quân sự, nhà quản lý để tiếp tục nghiên cứu, thực hiện tốt quy hoạch, tôn tạo, xây dựng khu di tích lịch sử Chi Lăng xứng với tầm vóc, ý nghĩa.


Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các tham luận đã khẳng định giá trị lịch sử, văn hoá của di tích như: giá trị lịch sử, quân sự; nơi lưu giữ, phát hiện những di vật minh chứng cho những giai đoạn sơ sử, tiền sử của người Việt cổ; bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc… Cùng với những tham luận khẳng định giá trị đặc biệt của khu di tích, nhiều tham luận cũng nêu thực trạng về hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chi Lăng. Trong đó, bày tỏ sự đồng tình với “Đề án Xây dựng và phát triển Khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.

Cùng với đó, nhiều tham luận đã đưa ra những giải pháp khai thác những giá trị đặc sắc của khu di tích này để phát triển du lịch bền vững như: cần tiến hành xây dựng hồ sơ khoa học và pháp lý để trình Bộ VHTTDL, Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng quần thể di tích Ải Chi Lăng là di tích quốc gia đặc biệt; chú trọng đầu tư bảo vệ và khai thác các di sản văn hóa truyền thống; nghiên cứu, lập dự án đầu tư xây dựng khu vực văn hóa – tâm linh gắn với Khu di tích lịch sử Chi Lăng…

NGỌC HIẾU – TUYẾT MAI