Thứ bảy,  21/09/2024

Lộc Bình: Bảo tồn các làn điệu dân ca truyền thống

(LSO) – Với cách làm sáng tạo, phát huy tốt vai trò của cộng đồng, những năm qua, các mô hình câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ quần chúng của huyện Lộc Bình đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển các làn điệu dân ca truyền thống dân tộc.

Ông Lương Văn Nam, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin (VHTT) huyện Lộc Bình cho biết: Hiện nay, hơn 90% dân số tại huyện Lộc Bình là người dân tộc thiểu số, với 6 dân tộc chủ yếu là: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chỉ… Vì vậy, những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi dân tộc, đặc biệt là những làn điệu dân ca luôn được huyện quan tâm bảo tồn và phát huy. Theo đó, hằng năm, chúng tôi khuyến khích việc thành lập các CLB, đội văn nghệ tại cơ sở, đồng thời tạo những sân chơi giao lưu, biểu diễn cho các CLB và đội văn nghệ nhân các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, lễ hội truyền thống của tỉnh, huyện.

Đến nay, toàn huyện Lộc Bình có 3 CLB và 15 đội văn nghệ quần chúng với trên 200 hội viên. Trong đó, có một số CLB, đội văn nghệ hoạt động mạnh và tiêu biểu như: CLB đàn tính thị trấn Lộc Bình, CLB sli, lượn, xắng cọ xã Minh Phát… Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Lộc Bình còn có 64 nghệ nhân truyền dạy các làn điệu dân ca, của các dân tộc: Tày, Nùng, Sán Chỉ… góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và thúc đẩy phong trào hát dân ca tại địa phương.

Tiết mục hát xắng cọ do các em học sinh Trường THPT bán trú THCS xã Minh Phát biểu diễn

Đến thăm xã Minh Phát, một trong những địa bàn có phong trào văn nghệ phát triển, chúng tôi ấn tượng bởi tinh thần sôi nổi, tích cực, cũng như chất lượng những tiết mục do các thành viên trong CLB Sli, lượn, xắng cọ xã tự dàn dựng. Nghệ nhân Lâm Xuân Phú, Phó Chủ nhiệm CLB Sli, lượn, xắng cọ xã Minh Phát cho biết: CLB được thành lập năm 2013 với trên 70 thành viên có tuổi đời từ 40 đến 60, tất cả đều là những người có chung niềm đam mê hát dân ca. CLB chúng tôi hoạt động đều đặn 1 tuần 3 buổi, sinh hoạt cả hai loại hình dân ca gồm hát sli, lượn của người Nùng và hát xắng cọ của người Sán Chỉ. Các thành viên trong CLB rất tích cực sinh hoạt, sưu tầm, trao đổi kinh nghiệm và là nòng cốt trong phong trào ca hát ở các thôn, bản.

Không chỉ ở Minh Phát, nhiều địa bàn khác trong huyện cũng có phong trào hát dân ca phát triển mạnh như: thị trấn Lộc Bình, thị trấn Na Dương, xã Đồng Bục, xã Nhượng Bạn… Bên cạnh đó, các CLB, đội văn nghệ của huyện còn chủ động được nguồn kinh phí hoạt động, mua sắm trang phục, nhạc cụ bằng nguồn xã hội hóa, thành viên của các CLB, đội văn nghệ chính là hạt nhân truyền dạy và phát động phong trào văn nghệ tại các thôn, bản.

Đáng chú ý, một số thành viên của các CLB còn tham gia biểu diễn tại các cuộc liên hoan trình diễn được tổ chức trong và ngoài tỉnh như: năm 2018 tham dự Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Vĩnh Phúc. Nổi bật, các CLB, đội văn nghệ đàn và hát dân ca trong huyện còn thường xuyên giao lưu với các CLB đàn và hát dân ca tỉnh bạn như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh… Từ năm 2018 đến nay, các CLB đàn và hát dân ca của huyện đã thực hiện hàng trăm cuộc biểu diễn, giao lưu lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi thì việc bảo tồn và truyền dạy các làn điệu dân ca vẫn gặp một số khó khăn, do hầu hết thành viên tại các CLB chủ yếu là người cao tuổi, số lượng người trẻ tham gia còn khiêm tốn. Để khắc phục thực trạng trên, những năm qua, một số trường học trên địa bàn huyện đã đưa các làn điệu dân ca vào giờ học ngoại khóa. Tiêu biểu như: Trường THPT bán trú THCS xã Minh Phát đã đưa bộ môn hát sli của người Nùng và hát xắng cọ của người Sán Chỉ truyền dạy cho học sinh; Trường THCS thị trấn Lộc Bình đưa hát then, đàn tính vào giảng dạy cho các em học sinh vào các giờ học ngoại khóa trên lớp.

Ông Lương Văn Nam cho biết thêm: Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và tạo thêm nhiều không gian văn hóa nuôi dưỡng, phát triển niềm đam mê hát dân ca, thời gian tới, huyện Lộc Bình sẽ tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, gần nhất là tổ chức giao lưu tiếng hát dân ca nhân ngày hội đình Vằng Khắc trong các ngày 16, 17 tháng Tư âm lịch. Đây là dịp để tôn vinh các làn điệu dân ca, tạo điều kiện cho các CLB, đội văn nghệ trên địa bàn nâng cao chất lượng hoạt động. Đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Lộc Bình nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung.

TUYẾT MAI